Cùng xây Tổ ấm !
Từ cách đây 12 năm, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28.6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.
Đặc biệt, năm nay (2013) được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn là Năm Gia đình Việt Nam và cùng với đó là việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực, khơi dậy những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Chúng ta đều biết gia đình là tế bào của xã hội, là hạt nhân cơ sở kiến tạo nên xã hội rộng lớn. Gia đình có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình…”. Lịch sử phát triển mấy ngàn năm của dân tộc ta khẳng định gia đình phát triển bền vững là nhân tố để đảm bảo sự trường tồn của quốc gia, dân tộc.
Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cùng với việc phát triển kinh tế, đảng và nhà nước ta đã tập trung xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tạo nền tảng xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Ngày nay, trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỉ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao, trẻ em được pháp luật bảo vệ, được xã hội và gia đình quan tâm, chăm sóc ngày càng đầy đủ, chu đáo. Những điều đó đã làm đẹp thêm những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân… đã tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp của một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp; tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp…
Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, phải tăng cường hành động, có các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam văn minh, hiện đại, giàu bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác gia đình, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững là rất quan trọng.
Đối với từng gia đình, mỗi thành viên trong gia đình cần nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình, biết vun đắp, phát huy những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, làm tốt việc giáo dục con trẻ, trong đó người lớn luôn gương mẫu để phát triển sức mạnh nội sinh, tạo thành lũy vững chắc để ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài xâm nhập vào.
Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, mỗi gia đình cần thiết thực hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013 bằng việc không ngừng phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.
Gia An