Xóa bỏ lò gạch thủ công tại xã Bình Nghi (Tây Sơn): Thực hiện ì ạch, thiếu công bằng
Gửi đơn phản ánh đến Báo Bình Ðịnh, nhiều người dân ở thôn 2 và thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) cho biết, nhiều chủ lò gạch thủ công bất chấp quy định, không chịu ngưng sản xuất theo lộ trình xóa bỏ của UBND tỉnh, gây nhiều hệ lụy và mất công bằng xã hội. Trong khi đó, chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Nhiều lò gạch nung thủ công tại thôn 2, xã Bình Nghi nằm trong lộ trình phải xóa bỏ từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được tháo dỡ.
Lò chấp hành tháo dỡ, lò không
Huyện Tây Sơn là địa phương có số lượng lò sản xuất gạch ngói thủ công nhiều nhất tỉnh với gần 950 cơ sở; trong đó, “thủ phủ gạch ngói” Bình Nghi chiếm khoảng 50% số cơ sở. Theo UBND xã Bình Nghi, thực hiện Quyết định 48/2013/QĐ-UBND (gọi tắt là QĐ 48) ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh quy định về lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh, thì đến cuối năm 2015, địa phương phải cơ bản chấm dứt hoạt động sản xuất của gần 320 lò gạch nung thủ công nằm trong và ngoài khu dân cư, hoặc các điểm sản xuất tập trung; đến hết năm 2016, sẽ chấm dứt hoạt động của tất cả các lò gạch thủ công. Mức hỗ trợ cho mỗi lò gạch bị tháo dỡ là 10 triệu đồng, mức tiền hỗ trợ cho lao động nhằm ổn định cuộc sống khi chấm dứt làm việc tại các lò gạch là 15kg gạo/người/tháng x 6 tháng x đơn giá gạo.
Lộ trình là vậy, nhưng đi dọc QL 19 đoạn qua thôn 2, xã Bình Nghi vào những ngày cuối tháng 5.2016, chúng tôi thấy còn khá nhiều lò gạch thủ công nằm trong khu dân cư, trong các điểm sản xuất tập trung (phải xóa bỏ) vẫn hoạt động; khói bốc lên nghi ngút từ các miệng lò, theo gió ngày đêm phát tán vào nhà dân.
Ông Lê Văn S., một người dân sống gần lò gạch, bức xúc: “Xung quanh nhà tui có đến ba lò gạch nên lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít, kể cả trong bữa ăn. Các lò gạch hoạt động khiến không khí ngột ngạt, khó thở bởi khói than. Hàng ngày những xe tải chở đất sét, chở gạch cứ chạy ra chạy vào làm bụi bặm giăng kín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, sản xuất hoa màu của người dân”.
Còn ông Trần Văn V., một chủ lò gạch thủ công đã thực hiện tháo dỡ theo đúng lộ trình, thắc mắc: “Đáng ra, các lò gạch này phải bị tháo dỡ từ cuối năm 2015 nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn còn hoạt động. Việc tháo dỡ không được thực hiện đồng loạt khiến những người tuân thủ pháp luật bị mất lợi ích kinh tế, gây mất công bằng”.
Địa phương hứa kiên quyết xử lý
Trao đổi với chính quyền địa phương về vấn đề này, ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, thừa nhận: Đúng là nhiều chủ lò gạch nung thủ công trên địa bàn xã còn chây ì, chưa chịu tháo dỡ theo đúng lộ trình của UBND tỉnh. Cụ thể, đến ngày 31.12.2014 chỉ có 142/149 lò nằm trong khu dân cư đồng ý tháo dỡ; đến ngày 31.12.2015 chỉ 63/170 lò nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung đồng ý tháo dỡ. Như vậy, hiện có 114 lò gạch nung thủ công đang vi phạm lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công. Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều chủ lò gạch bất chấp quy định là do hiện nay, hoạt động sản xuất gạch nung từ lò thủ công đang có lãi, giá gạch nung đang ở mức cao. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện lộ trình.
“Sắp tới, UBND xã Bình Nghi sẽ vận động tháo dỡ đối với các trường hợp chây ì. Nếu họ cố tình vi phạm, chính quyền địa phương sẽ áp dụng biện pháp kiên quyết hơn như cắt điện, hoặc cưỡng chế tháo dỡ”, ông Quế cho biết thêm.
PHÚC LỘC