Những bức tranh ra đời trên giường bệnh
Báo Bình Định số ra ngày 23.5 có bài “Một nghị lực phi thường & mênh mông tình mẹ”, viết về cậu bé Nguyễn Quang Khang (9 tuổi, quê xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), một người có nghị lực sống phi thường, có tâm hồn nhạy cảm đã vẽ nên hàng trăm bức tranh lấp lánh sắc màu cuộc sống. Ngay sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã đến thăm và động viên Khang, trong đó có một số họa sĩ.
Luôn trên giường bệnh. Không lúc nào được rời máy thở. Mọi hình dung về cuộc sống là những gì diễn ra ở bệnh phòng và những gì cậu tiếp nhận qua lời kể của mọi người và từ chiếc điện thoại nhỏ. Song những tác phẩm của Khang được các họa sĩ chuyên nghiệp đánhgiá tốt.
Nằm, tì tay lên cằm và vẽ
Mỗi khi Khang vẽ, cho đến lúc hoàn thành bức tranh, đều phải có người nuôi túc trực (thường là mẹ) để giúp xê, xích giá vẽ hoặc lấy bút lông, màu tô các loại. Khang chỉ có thể nằm, miệng ngậm ống thở đầy khó nhọc và vướng víu, đầu quay sang một bên, với giá vẽ để sẵn trước mặt có khoảng cách phù hợp, tay phải tì lên cằm, cây bút lông nằm hờ giữa hai ngón tay, Khang di bút lướt nhẹ trên mặt giấy. Bắt đầu vẽ từ năm 2014 đến nay, chỉ bằng cách ấy, hàng trăm bức tranh sinh động, đa dạng chủ đề ra đời.
Bé Khang nằm vẽ, bên cạnh là họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền (phải) và Lê Trọng Nghĩa đang xem tranh của Khang.
Chiều 24.5, nghe tin về một bệnh nhi có năng khiếu hội họa, hai họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Lê Trọng Nghĩa (hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội VHNT tỉnh) tìm đến thăm Khang. Xem hàng chục bức tranh đã vẽ trước đó của Khang và tận mắt chứng kiến Khang vẽ, hai anh vô cùng xúc động và cảm phục. Theo họ, vẽ ở tư thế nằm rất khó; lực ở tay của Khang lại yếu, khó làm chủ nét bút. Thế nhưng xem tranh của Khang thật khó có thể nghĩ ra đó là đường bút của một người sức khỏe kém.
Gắn chặt với giường bệnh cùng máy thở 8 năm ròng, Khang gần như không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mọi hình dung của em chỉ thông qua những câu chuyện kể của ba mẹ, người thăm nuôi cùng truyện cổ tích, truyện tranh mà gia đình mang vào. Và một “kênh” nữa là chiếc điện thoại mà Khang thường dùng để xem phim hoạt hình.
Hiểu biết về thế giới đầy hạn hẹp thế nhưng những gì hiện lên trong tranh của Khang lại hết sức phong phú, ngộ nghĩnh về ý tưởng, khá sâu sắc về nội dung. Những bức Mục đồng, Tát nước, Ngày mùa… là cách Khang đưa vào tranh những hình dung về quê nhà mình, qua lời kể của mẹ. Những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích như Rùa và Thỏ, Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời… đã được Khang “chuyển thể” thành những bức họa sinh động, vui tươi, ngộ nghĩnh.
Bên cạnh mảng tranh về các nhân vật hoạt hình, cổ tích, muông thú, hoa lá, có nhiều bức tranh khiến người xem rơi nước mắt. Đó là bức tranh Khang vẽ chính mình: một bệnh nhi trên giường bệnh, miệng ngậm ống thở, đang được y tá chăm sóc. Trong bức “Ước mơ của em được về nhà”, Khang vẽ ngày xuất viện của mình. “Trước cổng nhà, ba và bà nội đã đứng đón sẵn, mẹ đi cùng Khang và tay xách nhiều đồ, Khang cũng cầm một túi nhỏ, anh hai từ nhà bước ra đón em với những bước chân sải dài đầy mừng vui, hai tay chìa về phía Khang, ý nói “để anh xách cho”. Bà nội vì quá mừng đến phát khóc nhưng cố kìm lại nên miệng nội trông như mím lại, con cố ý vẽ chi tiết miệng nội như vậy”- Khang chia sẻ.
Tôi cũng kịp nhận ra, bé Khang trong bức tranh này không phải là Khang với đôi chân liệt, mà là Khang khỏe khoắn đi trên đôi chân của mình…
Ước mơ của Khang
Xem tranh của Khang, hai họa sĩ Chơn Hiền và Lê Trọng Nghĩa có chung nhận xét: bên cạnh sự chắc tay về mặt tạo hình, bố cục hài hòa, cảm quan màu sắc tốt, một điểm nổi bật trong tranh của Khang là ánh lên nét hồn nhiên, tươi vui, ngộ nghĩnh. Thế giới hội họa này cho thấy, chủ nhân của nó có một tâm hồn lạc quan, mạnh mẽ…
Bên cạnh sự chắc tay về mặt tạo hình, bố cục hài hòa, cảm quan màu sắc tốt, một điểm nổi bật trong tranh của Khang là ánh lên nét hồn nhiên, tươi vui, ngộ nghĩnh. Thế giới hội họa này cho thấy, chủ nhân của nó có một tâm hồn lạc quan, mạnh mẽ…
Cùng với đam mê vẽ tranh, Khang rất thích, cảm thấy vui khi được tặng tranh mình vẽ cho mọi người. Trong nhiều năm qua, Khang đã tặng cho nhiều bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Khang tặng cho một cô y tá trong Khoa mà em rất quý mến 30 bức. Và lần tặng nhiều nhất - tới 150 bức, là cho một vị khách từ Hà Nội vào thăm em.
Chị Lê Thị Trò, mẹ Khang kể: “Khang hay được các bác sĩ, y tá, các anh chị sinh viên tình nguyện đến thăm gọi đùa là “họa sĩ nhí”. Họ động viên “họa sĩ nhí” cố gắng vẽ đẹp để sau này còn triển lãm. Tôi giải thích cho con, “triển lãm” nôm na là nhiều tranh đẹp được tập hợp lại, mỗi bức được lồng khung thật trang trọng, rồi mang ra giới thiệu cho nhiều người biết đến, triển lãm có đông người đến xem… Cháu mừng lắm, thằng bé này mỗi khi có chuyện gì vui là lại không ngủ được! Những người đã từng đề cập đến chuyện “triển lãm” với Khang, tôi tin họ rất có tấm lòng, đã cố gắng nhưng vì lý do nào đó mà chưa thực hiện được. Cháu mong chờ và thi thoảng hỏi mẹ về chuyện triển lãm. Với cháu, vẽ là nguồn vui”…
Tôi đang hy vọng sẽ có dịp được viết về một cuộc triển lãm của Nguyễn Quang Khang.
SAO LY