Công tác bảo đảm ATTP: Chưa hết tồn tại, bất cập
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Sở Y tế vừa thực hiện báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21.10.2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Y tế, về một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, để Chỉ thị 08 thật sự đi vào cuộc sống, Sở Y tế đã sớm tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị đến tất cả các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, đảng viên nhằm tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về công tác đảm bảo ATTP. Định kỳ hằng năm đều tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08 cùng với Tháng hành động vì ATTP tại tuyến huyện và xã để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, góp phần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP tại các tuyến.
● Cụ thể, chuyển biến trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP thể hiện như thế nào, thưa bà?
- Chuyển biến có thể nhận thấy rõ rệt nhất là năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về ATTP từng bước được nâng cao. Tỉ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP có chiều hướng gia tăng; năm 2015 tỉ lệ này là 90,3%, tăng 13,8% so với năm 2011. Trong giai đoạn 2011-2015, có 508 sản phẩm được cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn thanh tra liên ngành tỉnh thực hiện thanh tra đột xuất tại một cơ sở sản xuất bánh ở TP Quy Nhơn.
Tính đến tháng 5.2016, toàn tỉnh có 11.788 cơ sở thực phẩm được quản lý; trong đó ngành Y tế quản lý 5.948 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 4.454 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 1.386 cơ sở. Có 1.705 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; trong đó ngành Y tế cấp cho 1.481 cơ sở, ngành NN&PTNT cấp cho 146 cơ sở, ngành Công Thương cấp cho 78 cơ sở.
● Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn 2011-2015 có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng…
- Đúng vậy. Tình hình ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn này vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2011 xảy ra 1 vụ với 12 người mắc do ăn phải thức ăn ôi thiu. Năm 2012, xảy ra 1 vụ với 18 người mắc, trong đó có 1 người chết; nguyên nhân là ngộ độc rượu ngâm thân cây nghi là cây lá ngón.
Tính đến tháng 5.2016, toàn tỉnh có 11.788 cơ sở thực phẩm được quản lý. Có 1.705 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Đáng chú ý, trong năm 2014 xảy ra đến 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 106 người mắc, 2 người tử vong. Nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra ngày 8.12 tại xã An Trung, huyện An Lão, với 2 người tử vong do uống rượu ngâm nhiều loại thân và rễ cây rừng chưa rõ loại. Trong năm 2015 không xảy ra ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan.
● Bên cạnh diễn biến phức tạp của ngộ độc thực phẩm, theo bà, đâu là những tồn tại đáng kể trong công tác đảm bảo ATTP?
- Đầu tiên, có thể kể đến ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng chưa cao. Việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong lễ hội, ma chay, đám cưới ở nông thôn còn nhiều lo ngại. Các bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp chưa được đầu tư đúng mức để đảm bảo ATTP.
Cùng với đó, năng lực kiểm nghiệm thực phẩm và xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở tuyến tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển của ngành hàng thực phẩm. Trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm ở tuyến huyện hầu như chưa được đầu tư nên khó khăn trong thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, với công tác kiểm soát dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại, phải gửi mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang để kiểm tra, thông báo kết quả nên vừa tốn kém vừa không kịp thời trong việc tham mưu cho lãnh đạo quản lý, chỉ đạo.
● Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO VỆ SINH ATTP
Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về phân cấp quản lý theo chỉ đạo của Bộ Y tế và triển khai thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP. Đồng thời, tăng cường mở các lớp tập huấn và phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về ATTP, đặc biệt là các văn bản về xử lý vi phạm ATTP để nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến phường, xã.
Hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP cũng sẽ được tăng cường; có phân công trách nhiệm cụ thể, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở. Các sở, ban, ngành và hội đoàn thể đẩy mạnh các biện pháp giáo dục truyền thông về đảm bảo vệ sinh ATTP, nâng cao nhận thức và thực hành của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra cũng được chủ động bố trí. Khi phát hiện có hành vi vi phạm, sẽ xử lý nghiêm khắc và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng…