Vệ sinh răng miệng kém gây bệnh viêm nướu
Viêm nướu là một bệnh rất phổ biến ở nước ta. Khoảng 70% bệnh nhân đến khám tại phòng khám Răng Hàm Mặt, BVĐK tỉnh mắc chứng viêm nướu và các vấn đề liên quan.
Viêm nướu là biểu hiện đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh nha chu. Nguyên nhân thường gặp của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém, dẫn đến sự hình thành và tích tụ mảng bám tại đường viền nướu răng, giữa các kẽ răng - nơi trú ngụ vi khuẩn gây viêm nướu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, có nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Đa số các bệnh nhân đến khám khi bệnh ở giai đoạn nặng, đã tiến triển tới viêm nha chu, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, kéo dài mà kết quả ít khả quan.
Bình thường nướu răng có màu hồng nhạt, săn chắc, bề mặt lấm tấm da cam. Nướu viêm chuyển màu đỏ, mềm, sưng, dễ chảy máu khi có tác động (chải răng, dùng tăm). Nặng hơn, nướu có thể tụt xuống hoặc rời ra khỏi răng, chảy máu tự phát hoặc có mủ tại khe giữa nướu và răng. Người bệnh có thể cảm thấy nhạy cảm, ê buốt tại vùng răng bị viêm nướu, hoặc cảm thấy hơi thở có mùi hôi. Các triệu chứng viêm nướu ở giai đoạn nhẹ thường âm thầm, không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, ăn nhai nên rất dễ bị bỏ qua.
Về nguyên tắc, trong tất cả các bệnh lý, việc bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ là không nên. Riêng về bệnh viêm nướu và viêm nha chu, việc bệnh nhân tự ý dùng thuốc - thường là thuốc kháng sinh, giảm đau - có thể giảm được sưng đau tại chỗ trong quá trình dùng thuốc, nhưng không có ý nghĩa trong việc điều trị và chặn đứng tiến triển của bệnh.
Để phòng ngừa viêm nướu, vệ sinh răng miệng được đặt lên hàng đầu. Bước này bao gồm: chải răng thường xuyên 2-3 lần/ngày và phải chải đúng phương pháp (chải theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng). Dùng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm xỉa răng (dùng tăm xỉa răng lâu ngày có thể làm khe răng nới rộng tạo điều kiện cho mảng bám chui vào, tăm xỉa răng cũng có thể gây tổn thương và làm nướu chảy máu). Hạn chế hút thuốc lá. Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời lấy đi các mảng bám, vôi răng hoặc điều trị sơ khởi khi nướu có hiện tượng viêm sưng nhẹ. Khi đã bị viêm nướu, phải tích cực điều trị để không bị viêm nha chu. Khi đã bị viêm nha chu, cần phải điều trị sớm với thái độ hợp tác triệt để.
BS NGUYỄN LÊ NGUYÊN