Tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở thuộc hành lang bảo vệ đê khu Đông: Cần kiên quyết xử lý
Gần đây, tình trạng một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê khu Đông (gọi tắt là đê Đông) tại 2 xã Phước Sơn, Phước Thắng (Tuy Phước) có chiều hướng gia tăng. Song, chính quyền địa phương lại khá chậm chạp trong kiểm tra và ngăn chặn, khiến dư luận bất bình.
Tái diễn nạn lấn đê xây nhà
Hệ thống đê Đông đoạn qua xã Phước Sơn có chiều dài gần 4,3 km, có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ cư dân ven đê. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3.2016, các ông Lê Hữu Sang, Từ Minh Vương, Lê Văn Chánh (cùng ở xóm 11, thôn Lộc Thượng) và ông Đỗ Bình Minh (xóm 15, thôn Dương Thiện) lại ngang nhiên lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất, đắp nền, xây dựng nhà trái phép trên đê. Cụ thể, hộ ông Sang lấn chiếm 75m2 đất, hộ ông Vương chiếm 120m2 đất. Riêng hộ ông Chánh và ông Minh, chính quyền xã đang đo đạc, xác minh. Song, nhìn thực tế, mỗi hộ chiếm khoảng 100m2.
Hộ ông Lê Hữu Sang, ở xóm 11, thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn (Tuy Phước) đã lấn chiếm 75m2 đất nằm trong hành lang đê Đông để đúc bộng, xây móng chuẩn bị xây nhà trái phép.
Đáng nói, những việc làm sai trái trên không được chính quyền và cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. Một người dân ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn (Tuy Phước), cho biết: “Thời gian đầu, có một số hộ sống gần phía Nam và phía Bắc tràn Cái Sơn bơm cát từ đầm Thị Nại lên, đúc bộng để gia cố móng xây dựng nhà. Hành động này không bị ai ngăn cản nên các hộ khác cũng làm theo. Nếu chính quyền cương quyết ngay từ đầu, thì không có tình trạng này”.
Mới đây, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cũng phát hiện hộ ông Phan Văn Hiếu (ở thôn An Lợi, xã Phước Thắng) lấn chiếm 64m2 đất, đổ nền, xây móng xung quanh. UBND xã Phước Thắng đã xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản; yêu cầu phải tháo gỡ toàn bộ công trình và trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay ông Hiếu chỉ mới tháo dỡ và giao trả được 50% diện tích đất lấn chiếm.
Theo Chi cục Thủy lợi, thực trạng xây dựng nhà ở trái phép trên hành lang đê Đông không chỉ diễn ra ở Phước Sơn và Phước Thắng mà còn xuất hiện ở xã Phước Thuận, Phước Hòa (Tuy Phước); Cát Chánh (Phù Cát); phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn). Hiện có hơn 1.000 ngôi nhà xây dựng trái phép dọc hành lang đê Đông.
Cần kiên quyết xử lý
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho rằng: “Nhiều trường hợp xây dựng công trình nhà ở trên hệ thống đê Đông xảy ra và tồn tại từ trước khi Luật Đê điều năm 2006 có hiệu lực thi hành nên chúng tôi còn lúng túng trong xử lý. Riêng 5 trường hợp mới lấn chiếm đất, xây dựng công trình nhà ở trái phép tại thôn An Lợi, xã Phước Thắng hay thôn Lộc Thượng và Dương Thiện, xã Phước Sơn, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Phước Thắng, Phước Sơn buộc các hộ vi phạm tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Chúng tôi cũng đề nghị các xã, phường có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo pháp luật, không để phát sinh mới”.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: “Xã đã lập biên bản các hộ lấn chiếm đất xâm hại đê Đông và đang tổ chức vận động, yêu cầu những hộ này phải tự giác tháo dỡ và giao trả lại mặt bằng trong tháng 5.2016. Quá thời gian quy định, địa phương phối hợp với ngành chức năng áp dụng biện pháp cưỡng chế”.
Theo UBND xã Phước Sơn, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý; hàng năm, tiến hành cưỡng chế tháo dỡ từ 3 - 5 ngôi nhà xây dựng trái phép. Thế nhưng, chặn chỗ này thì chỗ khác dựng lên, xử lý không xuể.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, tỏ ra cương quyết: “Tất cả các hộ xây, cất nhà trên nền đất lấn chiếm sẽ không được cấp sổ đỏ hoặc hỗ trợ, đền bù. Xã kiến nghị cấp trên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu các hộ dân không tự giác tháo dỡ. Riêng hộ ông Hiếu, xã yêu cầu phải tháo dỡ và trả lại mặt bằng trong tháng 5 này”.
Về vấn đề ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đê điều, đại diện Chi cục Thủy lợi, cho biết: Nhiệm vụ trước mắt là phát hiện và ngăn chặn sớm để không gây phát sinh các trường hợp vi phạm mới. Còn việc xử lý, tháo dỡ các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê Đông thì vẫn còn… bỏ ngỏ.
Thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp, tổng rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp đã vi phạm, từ đó mới răn đe những trường hợp có ý định vi phạm.
TRỌNG LỢI - HỒNG PHÚC