Coi chừng “nợ ”và “lệch”!
Báo cáo giám sát của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 25.5 vừa qua, cho biết: Đến tháng 3.2016 trong cả nước có 1.761 xã (19,7%) đạt tiêu chí NTM. Đồng thời, có 1.223 xã (13,7%) đạt từ 15-18 tiêu chí, 3.155 xã (37,5%) đạt từ 10-14 tiêu chí, 2.123 xã (25,4%) đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 326 xã (3,9%) dưới 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng lưu ý hai điểm hạn chế là “nợ” và “lệch” trong thực tế thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM ở nhiều địa phương.
Về “nợ” thì đó là tình trạng một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương XDNTM của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỉ đồng và lại “rơi” vào những địa phương có nhiều khó khăn… Riêng ở tỉnh ta, hiện các xã đạt chuẩn XDNTM năm 2015 và các xã đăng ký về đích năm 2016 còn nợ xây dựng cơ bản với tổng số tiền gần 65 tỉ đồng. Trong đó, 28 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 nợ trên 44 tỉ đồng, bình quân mỗi xã còn nợ 1,5 tỉ đồng; 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 đang nợ trên 20,5 tỉ đồng, bình quân mỗi xã nợ 2 tỉ đồng.
Về “lệch” là tình trạng các địa phương mới chỉ dồn sức tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất.
Từ thực tế trên, cơ quan giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát Bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đặc thù các vùng miền, địa phương theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu chí mềm dẻo, linh hoạt áp dụng một số vùng, miền có điều kiện tự nhiên đặc thù.
Thêm vào đó, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn chặt với Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM; tổng kết và hình thành cẩm nang các mô hình quản lý, mô hình sản xuất thành công để nhân rộng kịp thời các mô hình này, nhất là mô hình liên kết trong chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM các cấp... là những công tác trọng tâm cần được triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả để Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM hoàn thành mục tiêu thực sự bền vững.
HẢI ÐĂNG