Quanh chuyện làm đường bê tông nông thôn tại xã Hoài Hảo: Người dân chưa đồng thuận cao
Khởi công xây dựng từ năm 2014 nhưng đến nay, đường bê tông nông thôn có tục danh là đường Cơ khí cũ đi qua thôn Tấn Thạnh 2, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, dẫn vào Cụm công nghiệp Tam Quan vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là vì người dân chưa đồng thuận cao.
Khởi công từ năm 2014 nhưng đến nay, đường bê tông nông thôn đi qua thôn Tấn Thạnh 2 vẫn chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.
Đền bù chưa nhất quán
Theo phê duyệt của UBND huyện Hoài Nhơn vào tháng 5.2013, đường Cơ khí cũ sẽ được bê tông hóa theo Chương trình xây dựng nông thôn mới với chiều dài gần 1 km, rộng 6m; do UBND xã Hoài Hảo chủ đầu tư. Dự kiến kinh phí đầu tư làm tuyến đường này là hơn 8 tỉ đồng; trong đó, UBND huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 4 tỉ đồng để thảm bê tông, còn UBND xã Hoài Hảo tự cân đối số tiền còn lại để hỗ trợ, đền bù cho những hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng.
Năm 2014, UBND xã Hoài Hảo tổ chức họp, thông báo chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn cho 64 hộ dân có diện tích đất đai, hoa màu bị ảnh hưởng; đồng thời, vận động người dân tự hiến đất, tài sản trên đất để làm đường và được đa số người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất và chi trả tiền đền bù, đã phát sinh phản ứng của một số người dân vì họ cho rằng chính quyền địa phương không công khai phương án và mức tiền đền bù cụ thể, không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, việc đền bù thiếu nhất quán…
Đơn cử như gia đình ông Tạ Đạt (ở thôn Tấn Thạnh 2, xã Hoài Hảo) bị thu hồi hơn 600 m2 đất vườn, buộc phá bỏ 16 cây dừa và được thông báo là sẽ nhận hơn 25 triệu đồng tiền đền bù. Trong khi đó, gia đình ông Thái Văn Học (48 tuổi, hiện đang trú tại huyện Hoài Ân) bị thu hồi gần 500m2 đất vườn nhưng lúc đầu chính quyền địa phương thông báo sẽ được nhận 21 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do ông Học phản ứng, sau đó số tiền đền bù lại tăng lên đến 140 triệu đồng (?!)
Ông Đạt thắc mắc: “Chẳng hiểu tính kiểu gì mà đất nhà tui bị thu nhiều hơn lại nhận tiền bồi thường ít hơn? Điều khó hiểu nữa là khi thu hồi đất, xã không giao cho tôi bất cứ quyết định thu hồi đất nào hết, ngay cả phương án đền bù, mức tiền đền bù. Phải chăng có điều gì ẩn khuất ở đây?”.
Trong khi đó, ông Học nói: “Dù được tính tiền đền bù cao hơn các gia đình khác nhưng tui thấy cách tính chi trả đền bù của chính quyền địa phương thấp hơn so với giá nhà nước, gây thiệt thòi cho người dân nên không đồng ý giao đất để làm đường. Tui cùng một số người dân đã làm đơn khiếu nại, yêu cầu chính quyền địa phương giải thích rõ”.
Ông Học cắm biển: “Đất chưa đền bù thỏa đáng, không được giải tỏa” trước thửa đất của gia đình.
Cần tìm sự đồng thuận
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 25.5, tuyến đường Cơ khí cũ vẫn chưa thảm bê tông tại khu đất chưa được bàn giao của gia đình ông Học. Người dân đi lại trên con đường này buộc phải đi vòng qua con đường đất nhỏ bên cạnh.
Khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã Hoài Hảo để đăng ký làm việc với lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, nói đang bận công tác nên không thể gặp được.
Còn ông Hồ Hưởng, Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Nhơn, giải thích: Do ngân sách UBND xã có hạn nên chính quyền địa phương đã họp dân, vận động theo phương châm: Các hộ dân có diện tích đất vườn dưới 100m2, hoặc đất ở dưới 50m2, hoặc dưới 5 cây dừa thì hiến tặng, không bồi thường thiệt hại; phần dư ra sau khi hiến tặng thì được bồi thường theo quy định đơn giá đất của Nhà nước, hoặc vận động ủng hộ mà không tính theo quy định của Nhà nước. Theo đó, có 64 hộ dân bị thu hồi đất với diện tích hơn 10.500m2; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 1,6 tỉ đồng. Sở dĩ, thửa đất của ông Học được nhận đền bù cao hơn so với các trường hợp khác là do địa phương xét thấy gia đình ông hiện đang sinh sống, làm ăn ở xa nên không được hưởng lợi khi con đường làm xong.
Có thể thấy, việc vận động để người dân đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của địa phương trong quá trình bê tông hóa giao thông nông thôn là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch; công tác đền bù phải công bằng, nhất quán, để đạt được sự đồng thuận của người dân.
Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, khẳng định: “Sắp tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Hoài Hảo họp dân, vận động, tuyên truyền để họ hiểu rõ hơn về chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn. Nếu một số trường hợp vẫn nhất quyết không bàn giao mặt bằng để hoàn thành công trình thì chính quyền địa phương sẽ thực hiện theo cách biểu quyết số đông”.
PHÚC LỘC
Ông Đẹp nói số đông là sao? Ông Đẹp ơi? Phải thượng tôn pháp luật. Lãnh đạo huyện mà phát ngôn vậy thì ai làm cũng được