Ấn tượng cùng “Tiếng hát sinh viên”
Vòng chung kết Hội thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc lần thứ XIV năm học 2015-2016 vừa diễn ra tại Đại học Quy Nhơn đã để lại ấn tượng đẹp từ những lời ca, điệu múa. Nhiều gương mặt xuất sắc trong phong trào văn nghệ sinh viên của 14 trường đại học, học viện, cao đẳng đã hội tụ về đây và làm nức lòng khán giả.
Nhiều tiết mục ấn tượng
Trong chương trình tham gia vòng chung kết của các trường, đáng ghi nhận là có rất nhiều tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca thu hút khán giả cả về giọng hát lẫn cách thức dàn dựng múa minh họa.
Nghe giọng ca Mai Lan (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đầy cảm xúc thể hiện “Rặng trâm bầu”, hay Xuân Trường cháy hết mình với “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”... nhiều người đã ngợi khen chất giọng và kỹ thuật biểu diễn của họ vừa trẻ trung với chất sinh viên cần có, vừa điêu luyện như những ca sĩ chuyên nghiệp. Tiết mục “Bài ca thần chim Lạc”của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh gây ấn tượng mạnh bởi độ “phiêu” của cặp đôi nam, nữ hát chính, nhạc hòa âm phối khí hay, cùng dàn múa minh họa đẹp, trang phục nổi bật trên sân khấu. Tiết mục hát, múa “Bình Trị Thiên khói lửa”đã thể hiện kỹ thuật thanh nhạc được đào tạo bài bản của bốn giọng ca nam đều có chất giọng hay, phối hợp nhuần nhuyễn cùng phần múa minh họa để đem đến một tiết mục có chất lượng nghệ thuật về một thời đấu tranh cách mạng hào hùng.
Tiết mục múa “Tổ quốc trong tim người chiến sĩ”của Học viện An ninh đã đoạt giải Nhất.
Có thể nói tất cả tiết mục múa tham gia Hội thi đều được đầu tư công phu, đa phần hướng đến tính dân tộc và cách mạng trong dàn dựng. Có thể điểm ra đây một số tiết mục tiêu biểu.
Tiết mục múa “Những cô gái Lô Lô” của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mang đậm màu sắc dân tộc từ âm nhạc, trang phục đến cách thức dàn dựng. Tất cả nhằm thu hút sự chú ý của người xem, buộc người xem không rời mắt khỏi sân khấu. Và họ đã làm được điều đó.
Các sinh viên Học viện An ninh thông qua những điệu múa “Tổ quốc trong tim người chiến sĩ” trên phông nền kiêm đạo cụ là lá cờ đỏ sao vàng có kích thước lớn bao trùm sân khấu, đã chuyển tải một cách mềm mại, cảm xúc về hình tượng người chiến sĩ công an luôn hướng về Tổ quốc, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để đem đến cuộc sống bình yên cho người dân. Có thể nói, các sinh viên bằng cách dàn dựng hoành tráng đã lay động được cảm xúc của khán giả.
Tiết mục múa “Vươn đến tầm cao” của Trường Đại học Xây dựng được Ban giám khảo Hội thi đánh giá là điểm nhấn sáng tạo cần được phát huy, bởi thể hiện được tính thời đại, triết lý nghề qua động tác múa của những “người máy” trong bộ trang phục gắn đèn led chuyển đổi màu xanh, đỏ phối hợp tạo thành những hình khối nổi bật trên sân khấu đã tắt hết đèn...để chuyển tải nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Quảng bá, giao lưu và học hỏi
Dù là đơn vị đăng cai nhưng Trường Đại học Quy Nhơn lại không góp mặt tại vòng chung kết Hội thi. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến sự chuẩn bị kỹ các khâu tổ chức, nhiệt tình đón tiếp các đoàn bạn của thầy trò Trường Đại học Quy Nhơn.
Các buổi diễn trong vòng chung kết Hội thi luôn thu hút đông sinh viên đến hào hứng theo dõi và cổ vũ. PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, Phó Ban tổ chức Hội thi, chia sẻ: “Đại học Quy Nhơn rất vinh dự được đăng cai tổ chức Hội thi, với những hoạt động giao lưu sẽ góp phần quảng bá Quy Nhơn - Bình Định nói chung và trường chúng tôi nói riêng. Thông qua việc thưởng thức các chương trình biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao của các trường ở nhiều vùng, miền trong cả nước về tham gia, các cán bộ, sinh viên của trường cũng học hỏi được kinh nghiệm thiết thực trong việc định hướng, dàn dựng các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ”.
Hội thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc do Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức định kỳ hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1991). Nhiều ca sĩ đoạt được HCV qua các Hội thi, sau đó đã tiếp tục có sự bồi đắp, phát triển về chuyên môn để trở thành ngôi sao ca nhạc như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Tấn Minh...
Sự học hỏi này là cần thiết không chỉ đối với Trường Đại học Quy Nhơn, mà còn đối với những người hoạt động dàn dựng, biểu diễn trong phong trào văn nghệ quần chúng ở TP Quy Nhơn khi đến xem. Bởi nhiều trường tham gia vòng chung kết đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong dàn dựng chương trình có bố cục, nội dung, hình thức mạch lạc. Có trường không có quy mô đào tạo lớn và điều kiện đầu tư chương trình như một số trường khác, nhưng đã biết chọn hướng dàn dựng để phát huy được lực lượng hạt nhân, thể hiện đặc trưng riêng của ngành nghề đào tạo, bản sắc văn hóa truyền thống địa phương. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh là trường cao đẳng duy nhất trong số 14 trường tham gia vòng chung kết, đã để lại ấn tượng đẹp với chương trình có chủ đề “Vâng lời thầy cô! Tiếp bước đến trường”. Ngoài các tiết mục đều tập trung đề cao tinh thần trách nhiệm và vai trò quan trọng của việc dạy và học, thì các sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh còn tạo sự khác biệt ở tiết mục cuối ca cảnh “Tiếp bước đến trường” thể hiện những làn điệu dân ca Nam bộ viết lời mới mang ý nghĩa giáo dục, diễn xuất dí dỏm, giọng hát ngọt ngào... đã nhận được rất nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả.
NSND Hà Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Múa TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban giám khảo vòng chung kết Hội thi, đánh giá: “Chúng tôi đánh giá cao những chương trình có sự đầu tư chính xác từ ý tưởng nội dung đến cấu tứ chặt chẽ, các tiết mục có sự kết nối có chọn lọc và dàn dựng rất công phu... đã tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện được tài năng hát, múa, đem đến nhiều cảm xúc cho người xem”.
HOÀI THU