Mùa sim chín
Tháng Sáu, trời bắt đầu những trận nam già. Vùng quê nghèo thuộc doi đất miền Trung lại gồng mình với hạn hán. Đôi mắt đầy chân chim của những người như mẹ tôi cứ nhíu lại, thể hiện hết nỗi lo lắng và sức chịu đựng cái nắng gió, hạn hán ấy. Nhưng với đám trẻ bọn tôi lại có một niềm vui, ngự trên những quả đồi đá ong phía sau ngôi nhà nhỏ của tôi: sim chín.
Có lẽ tại những trận nam già kia và cũng tại cái hanh hao vốn có của thời tiết khiến những quả sim mới ngày nào còn xanh non chát lòm giờ đã bắt đầu đánh mật, mọng lên. Màu đen mật ấy có khi khoe bày trước ánh mặt trời chói chang, có khi nấp trong vòm lá xanh sậm. Nhưng chúng làm sao giấu nổi thứ hương dậy mùi đối với đám chim ban ngày và đám dơi ban đêm. Chúng tôi chẳng thiết gì việc săn chim cu. Chúng tôi cũng có một sự chú ý hệt như đám chim chóc kia vào những quả sim đang chín.
Thế là hết sáng lại chiều, chúng tôi lùa bò lên đồi, chia nhau lùng sục các bụi sim. Sim nhiều lắm. Ở đâu sim cũng chín mọng đầy hấp dẫn. Chúng tôi bị hút theo những đám sim. Sim đựng đầy mũ, cuộn đầy chiếc áo khoác mỏng tang, đựng tràn các túi áo, túi quần.
Những quả sim căng mật sẽ được chén đầu tiên, vị ngọt, thật ngọt nhưng không hề gắt, thứ ngọt mát, thấm vào chóp lưỡi, thấm vào cuống họng. Chúng tôi ăn đến mức thè lưỡi ra còn dọa nhau được vì lúc này lưỡi đứa nào cũng nhuộm một màu tím rịm như uống mực. Chỉ cần một đứa pha trò là cả nhóm sẽ òa lên hết hồn rồi cười rộ cả một vùng đồi.
Ăn sim chán, chúng tôi lại chia nhau chơi đủ thứ trò, nào là bịt mắt bắt dê, năm mười, ô ăn quan... và phần thưởng thắng thua cũng lại là sim. Sim mùa này như thấm vào tế bào cảm xúc của chúng tôi vậy. Có thể nói thế cũng hơi quá, nhưng nếu nói chúng tôi ăn sim đến… nặng bụng thì hẳn ai cũng tin. Vì thế mà chúng tôi có đứa bỏ cơm, bị người lớn rầy la, cấm đoán, xong đâu lại vào đó, hôm sau lên đồi điểm danh chúng tôi lại thấy trẻ trong làng háu sim không thiếu đứa nào. Họa hoằn có đứa bị bắt ở nhà và đám trẻ lại mang sim về cho nó ăn, vẫn tiu nghỉu. Mới vỡ lẽ ra rằng, việc ăn sim không quan trọng bằng cái không khí vui vầy thôn dã mà nó tạo nên.
Giờ lớn lên, xa rời vùng quê nghèo lên phố trọ học, tôi lại có dịp gần gũi với gia đình một nhà văn khả kính. Mỗi khi đến nhà ông chơi, ông lại đem ra đãi tôi một thức rượu lạ vị, khác màu. Hỏi ra thì mới biết đó là thứ rượu Bầu Đá ủ sim do ông tự chế. Ông bảo sim thì chọn thứ sim trên núi, vừa chín hồng, ngắt tai, châm kim quanh thân quả rồi phơi cho nó héo héo, sau đó đem ngâm trong đặc sản Tây Sơn mỹ tửu.
Ông vừa cho tôi nhâm nhi thứ rượu là lạ đó vừa nói, ông có mật sim Phú Quốc gửi về hẳn hoi, nhưng ông không thích bởi đơn giản là nó nhiều mật ngọt quá làm mất vị của rượu, người sành rượu xứ này không chuộng. Còn tôi, nghe ông giảng giải mà ngẫm ra cái lý thú cho riêng mình. Cái dân dã cứ phải đi kèm với cái dân dã vẫn thấm sâu vào lòng người hơn vậy. Cái mà quê hương ta có, ngay bên cạnh ta vẫn cứ lôi cuốn hơn. Tôi nhấm ly rượu mà cảm như cả một miền ấu thơ lâng lâng trong đầu.
LÊ VĂN