Cứu đuối thế nào cho đúng?
Không biết bơi nhưng vẫn nhảy ùm xuống nước cứu người bị đuối nước. Người biết bơi cũng chưa chắc biết cách đưa nạn nhân lên bờ an toàn và sơ cứu đúng cách. Kiến thức và kỹ năng cứu đuối rất cần thiết với mỗi người trước tình trạng đuối nước vẫn phổ biến.
Từ ngày 23 đến 28.5, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh phối hợp với Phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở VH-TT&DL) mở lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật bơi phổ thông và bơi cứu đuối. Đây là lần đầu tiên một lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật bơi phổ thông và bơi cứu đuối được tổ chức ở tỉnh ta.
Giáo viên thể dục các trường THPT, nhân viên Trung tâm Truyền tải điện Bình Định, hướng dẫn viên bơi lội ở các khách sạn, hồ bơi tư nhân… trong tỉnh được hướng dẫn các kỹ thuật bơi ếch, bơi trườn sấp; giới thiệu các kỹ năng, phương pháp cứu đuối…
Thực hành cách bơi dìu người bị đuối vào bờ tại Lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật bơi phổ thông và bơi cứu đuối năm 2016. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Rèn luyện kỹ năng
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Với tinh thần tập luyện tích cực, hầu hết học viên đã có sự tiến bộ rõ rệt, thực hiện tốt các kỹ thuật cơ bản của bơi phổ thông và bơi cứu đuối. Điều đó thể hiện qua đợt kiểm tra cuối khóa, 19 học viên đạt yêu cầu chuyên môn. 3 học viên chưa biết bơi ban đầu cần rèn thêm kỹ năng bơi nên chưa được cấp giấy chứng nhận; 1 học viên không tham dự buổi kiểm tra nên không được cấp giấy chứng nhận”.
Bên cạnh các kỹ thuật bơi, ông Nguyễn Trương Minh Nhựt, HLV Đội tuyển bơi lội Bình Định, đã nhiệt tình hướng dẫn cặn kẽ kỹ năng cứu nạn khi gặp người đuối nước, trong đó nhấn mạnh tình huống không có dụng cụ cứu nạn.
“ Khi cứu phải đánh giá được thể lực và năng lực của người bị đuối mà tổ chức cứu cho phù hợp. Nếu người bị đuối uống nhiều nước và đã bắt đầu chìm thì ở nơi chìm sẽ có bọt nước, sóng động do tay vùng vẫy gây nên (ở nơi yên tĩnh thấy rất rõ) ”
Sau khi tham gia tập huấn, anh Bùi Văn Chinh, công tác tại khách sạn Hải Âu, chia sẻ: “Bản thân tôi trước khi đến với lớp này cũng chỉ biết bơi dạng… tự phát. Qua lớp học này, tôi được bổ sung thêm kiến thức, không chỉ về bơi lội mà cả cách phòng chống đuối nước và tổ chức cứu đuối. Những gì học được ở lớp này có thể giúp cho cá nhân tôi tránh được nguy cơ đuối nước và quan trọng hơn, tôi là có thể tự tin hơn trong công việc, áp dụng vào thực tế khi cần thiết”.
Sơ cứu đúng cách
Đúc kết sau lớp bồi dưỡng, HLV Nguyễn Trương Minh Nhựt lưu ý mọi người, khi cứu đuối, cần căn cứ vào trường hợp bị đuối mà có biện pháp cứu đuối thích hợp. Trong trường hợp nước chảy, phát hiện người bị đuối thì người cứu đuối nên chạy trên bờ và bơi đón đầu. Nếu không có dụng cụ, cần nhanh chóng dùng kiểu bơi nhanh nhất, bằng quãng đường ngắn nhất đến người bị nạn. Khi cứu phải đánh giá được thể lực và năng lực của người bị đuối mà tổ chức cứu cho phù hợp. Nếu người bị đuối uống nhiều nước và đã bắt đầu chìm thì ở nơi chìm sẽ có bọt nước, sóng động do tay vùng vẫy gây nên (ở nơi yên tĩnh thấy rất rõ).
Theo HLV Nguyễn Trương Minh Nhựt, để đảm bảo an toàn trong khi cứu đuối, cần biết cách giải thoát mình ra khỏi sự ràng buộc không có ý thức của người bị đuối. Có thể dùng các thủ thuật làm đau hoặc ngụp xuống nước bất ngờ để giải thoát mình. Ví dụ, trường hợp người bị đuối cầm 2 cẳng tay ở phía trước thì dùng sức co, vặn của 2 tay về phía ngón tay cái của người bị đuối. Trường hợp người bị đuối dùng 2 tay bám vào trước cổ người cứu thì người cứu luồn 2 tay vào giữa 2 tay người bị đuối và khuỳnh 2 tay ra (có thể khuỳnh tay và lặn xuống sâu)...
Khi đưa được nạn nhân lên bờ, phải gọi người khác cùng hỗ trợ, gọi trung tâm cấp cứu 115; sau đó tiến hành sơ cứu ngay. Theo bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng khoa Khám (BVĐK tỉnh), hoạt động sơ cứu phải tiến hành càng nhanh càng tốt, để quá 5 phút dễ dẫn đến chết não. Đầu tiên là khai thông đường thở, móc hết dị vật trong miệng, mũi, họng; đối với trẻ em, có thể dốc ngược lên, vỗ vào lưng (thực hiện không quá 30 giây).
Sau đó, thực hiện hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu ngửa ra sau, cổ ưỡn để đường thở thẳng. Vạch miệng nạn nhân, lót 1 tấm gạc hoặc vải mỏng. Người cứu quỳ bên trái nạn nhân, 1 tay bóp mũi, 1 tay vạch cằm, hít thật sâu thổi mạnh vào miệng bệnh nhân liên tục 2 cái. Để ép tim, đặt gan bàn tay vào 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, bàn tay còn lại đặt chồng lên bàn tay kia; giữ 2 tay thẳng và nhấn mạnh xuống. Cứ nhấn 30 lần thì hà hơi thổi ngạt 2 lần, đến khi nạn nhân tỉnh hoặc có nhân viên y tế tới. Trong lúc sơ cứu luôn quan sát nét mặt nạn nhân, nếu có biểu hiện hồng hào, tự thở được thì tạm ngưng.
“Việc ép tim, hà hơi thổi ngạt phải làm liên tục mới hiệu quả. Tuy nhiên, thực hiện các thao tác sơ cứu này rất nhanh mệt, chúng ta phải đề nghị những người xung quanh hỗ trợ. Cứ khoảng 2 phút thì nên thay người thực hiện” - bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Một bé trai nguy kịch do đuối nước
Tin từ khoa Nhi (BVĐK tỉnh) ngày 1.6 cho biết, tình trạng sức khỏe của bé Trần Lê Hiểu Khang (4 tuổi, ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) chưa có tiến triển khả quan sau 5 ngày điều trị do bị đuối nước.
Bé Khang được đưa vào BVĐK khu vực Bồng Sơn sáng 28.5, sau đó chuyển ngay vào BVĐK tỉnh trong tình trạng tổn thương não nặng trong thời gian dài, viêm phổi nặng do hít bùn. Hiện tại, bé vẫn hôn mê sâu, phải thở bằng máy qua nội khí quản, dùng kháng sinh liều cao; được chăm sóc tích cực, nuôi dưỡng đặc biệt, chống loét. Theo Trưởng khoa Nhi Phạm Văn Dũng, tiên lượng vẫn rất nặng.
Khang theo ba mẹ vào Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) thuê hồ nuôi tôm. Chị Lê Thị Oanh - mẹ của Khang, cho biết, khoảng 9-10 giờ ngày 28.5, khi ba mẹ sơ ý, Khang bị rớt xuống hồ. Đến khi em nổi lên mặt nước, ba mẹ mới phát hiện, vớt lên và đưa vào bệnh viện.
L.CƯỜNG - V.TRANG