Mở ra cơ hội cho bệnh nhân mắc u xơ tử cung
Đề tài nghiên cứu mang tính thời sự, có ý nghĩa khoa học và giá trị trên thực tiễn lâm sàng; thành công của kỹ thuật này mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân mắc u xơ tử cung (UXTC) - đây là những kết quả quan trọng của đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thuyên tắc mạch trong điều trị UXTC”, vừa được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu chiều 29.5.2016.
Phương pháp điều trị
UXTC là loại khối u rất hay gặp ở đường sinh dục; đặc biệt, có đến 20-30% phụ nữ trên 35 tuổi mắc bệnh này. Lâm sàng của bệnh thường diễn biến rất đa dạng, các triệu chứng chủ yếu gồm: đau hạ vị, rong kinh, rong huyết, tiểu rắt. Dù là bệnh lành tính, phát triển chậm nhưng UXTC lại gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống cũng như tâm lý phụ nữ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh), có nhiều phương pháp điều trị UXTC áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Trong đó, có hai nhóm phương pháp điều trị chính là bảo tồn và cắt triệt để. Đến nay, phẫu thuật triệt để cắt tử cung toàn phần hoặc bán phần vẫn đang được áp dụng rộng rãi hơn cả ở các chuyên khoa phụ sản. Phẫu thuật này giải quyết triệt để khối u xơ, đương nhiên bệnh nhân không còn tử cung và sinh lý kèm theo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung trong một ca thuyên tắc động mạch tử cung trên bệnh nhân UXTC.
Tuy nhiên, ngày nay, rất nhiều phụ nữ có UXTC không muốn phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì nhiều lý do như: nhu cầu sinh đẻ, nhu cầu thẩm mỹ (không muốn để lại sẹo), cũng như bảo tồn tính nguyên vẹn của tử cung và kinh nguyệt bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có tỉ lệ bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn tâm lý, thiếu tự tin vì cảm giác mất đi quyền phụ nữ sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Có một phương pháp khác, không những giúp người bệnh giải quyết được bệnh mà không cần cắt bỏ tử cung và hơn nữa không có sẹo mổ ở bụng - đó là tắc mạch UXTC. Kỹ thuật này thường được thực hiện bởi các bác sĩ can thiệp mạch máu.
Bác sĩ Trung phân tích, UXTC cần sự cung cấp máu rất nhiều từ động mạch tử cung. Các nhánh động mạch vào cấp máu cho khối u để nó phát triển giãn to, trong khi các nhánh khác không cấp máu cho khối u thì không giãn và không tăng lưu lượng dòng chảy. Do đó, u xơ sẽ nhỏ lại hoặc mất hẳn nếu sự cung cấp máu bị ngăn chặn.
Thuyên tắc (embolisation) nghĩa là ngăn chặn hoặc làm tắc nghẽn dòng máu chảy. Đây là thủ thuật làm tắc động mạch tử cung bằng những hạt thuốc nhỏ. Khi bơm các chất gây tắc mạch vào động mạch tử cung thì chúng sẽ theo các nhánh động mạch giãn và tăng dòng chảy để tập trung vào trong khối u, ngăn không cho máu đến nuôi khối UXTC, còn các nhánh khác không bị tắc. Kết quả là khối u xơ bị thiếu máu, không phát triển, hoại tử hoặc sẽ teo dần và có thể rụng. Trong khi đó, phần còn lại của tử cung vẫn bình thường, vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn của tử cung cũng như giữ được chức năng của tử cung sau khi thực hiện thủ thuật; đồng thời, làm giảm hoặc mất các triệu chứng do khối u gây ra…
Khẳng định ưu thế của thuyên tắc mạch
Từ năm 1995, khi phương pháp tắc mạch trở thành kỹ thuật điều trị các khối UXTC thường quy trên thế giới, đã có hàng chục ngàn bệnh nhân được áp dụng sự tiến bộ này với kết quả thành công từ 90-95%. 5 năm sau, kỹ thuật này được áp dụng ở Việt Nam.
Tại Bình Định, tháng 5.2010, BVĐK tỉnh được trang bị hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền. Hai năm sau, phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung chính thức được đơn nguyên can thiệp mạch máu não và ngoại vi triển khai thường quy để điều trị UXTC, với kết quả ban đầu đáng khích lệ.
Để đánh giá kết quả điều trị UXTC bằng phương pháp thuyên tắc mạch, bác sĩ Nguyễn Văn Trung đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thuyên tắc mạch trong điều trị UXTC”. Đối tượng nghiên cứu là 51 bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh với chẩn đoán UXTC và được điều trị can thiệp bằng phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung từ tháng 7.2013 đến tháng 12.2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuyên tắc động mạch tử cung là phương pháp điều trị UXTC có hiệu quả. Cụ thể, bệnh nhân cải thiện rong kinh và giảm kích thước khối u sau can thiệp, số ngày nằm viện sau điều trị ngắn từ 1-3 ngày. Thời gian tái nhập cuộc sống sau can thiệp trung bình từ 5-10 ngày. Tai biến nhỏ, tỉ lệ thấp, chủ yếu gặp tụ máu dưới da vùng bẹn. Tỉ lệ hài lòng chung của người bệnh cao - đến 90,2%.
Từ năm 2015 đến nay, tại khoa Thần kinh cũng đã có hơn 20 bệnh nhân được giải quyết UXTC bằng phương pháp này. “Thuyên tắc mạch điều trị UXTC đạt hiệu quả điều trị cao, là phương pháp điều trị được lựa chọn để thay cho phẫu thuật bóc tách u xơ hoặc cắt tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân UXTC cần được thông tin đầy đủ về các phương pháp điều trị. Đây là kỹ thuật an toàn, hiệu quả, có thể thực hiện rộng rãi tại các cơ sở có trang bị máy DSA hoặc X-quang tăng sáng (C-arm)” - bác sĩ Trung đúc kết.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho rằng hiệu quả của kỹ thuật này đã mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân mắc UXTC. Để tiến hành phương pháp thuyên tắc mạch bên cạnh đội ngũ nhân lực có “tay nghề”, còn đòi hỏi sự đầu tư lớn về thiết bị, máy móc. Bệnh viện sẽ xây dựng quy chế phối hợp trong chẩn đoán, chỉ định kỹ thuật thuyên tắc mạch điều trị UXTC giữa khoa Phụ sản với đơn vị can thiệp mạch máu não và ngoại vi, nhằm tạo thuận lợi hơn cho bệnh nhân.
Chủ tịch Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh, TS. Lê Công Nhường: Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thuyên tắc mạch trong điều trị UXTC là đề tài khoa học đầu tiên của tỉnh về nghiên cứu ứng dụng phương pháp này.
Th.S Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quân y 13: Đây là đề tài nghiên cứu mang tính thời sự, kết quả thành công của kỹ thuật rất cao. Đề tài có ý nghĩa khoa học và giá trị trên thực tiễn lâm sàng, góp phần đem lại sức khỏe cho cộng đồng nói chung và người dân Bình Định nói riêng.
THU HIỀN