Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1.7:
“Đường dài” bảo hiểm y tế toàn dân
Dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay ở tỉnh ta vẫn chỉ đạt 63,8%. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức cho các ngành chức năng trong quá trình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Tính đến hết tháng 5.2013, toàn tỉnh có 957.000 người tham gia BHYT, đạt 63,8%. Tỉ lệ này không tăng đáng kể so với thời điểm cuối năm 2012 (63,5%); trong khi cuối năm 2011 tỉ lệ này đã là 63,9%. “Điểm sáng” duy nhất chính là chiều hướng cải thiện đáng kể ở nhóm đối tượng hộ gia đình, cuối tháng 12.2012 có 172.805 thẻ, đến 31.5.2013 đã tăng lên 177.240 thẻ.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một giải pháp tăng độ “phủ sóng” của BHYT.
- Trong ảnh: Khám bệnh tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Nhiều nỗ lực
Theo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, An Nhơn và Hoài Nhơn là 2 địa phương thực sự đầu tư mạnh cho các hoạt động phát triển BHYT toàn dân.
Giữa năm 2010, Hội Nông dân huyện Hoài Nhơn phối hợp cùng BHXH huyện triển khai xây dựng mô hình điểm BHYT toàn dân tại xã Hoài Đức. Năm 2010, tỉ lệ người có thẻ BHYT tại Hoài Đức là 61,35%, đến hết năm 2012 đã lên 70,8%. Trong các năm 2011 và 2012, mô hình BHYT toàn dân đã được mở rộng thêm 10 xã, với tỉ lệ người dân có thẻ BHYT tăng từ 56,3% lên 64% sau 2 năm thực hiện. Hiện nay, không kể TP Quy Nhơn và 3 huyện miền núi, tỉ lệ bao phủ BHYT ở Hoài Nhơn đạt cao nhất (63,2%), trong đó xã Hoài Châu Bắc, Hoài Đức và thị trấn Tam Quan đều đạt trên 70%.
Theo ông Mai Xuân Thơm, Giám đốc BHXH huyện Hoài Nhơn, một trong những điểm mấu chốt trong công tác phát triển BHYT toàn dân là phải nắm chắc từng đối tượng, nhóm đối tượng ở địa bàn dân cư. Từ đó, có phương pháp vận động phù hợp, chú trọng hình thức vận động trực tiếp, cấp phát tờ rơi để nhân dân dễ tiếp cận, tự nguyện tham gia BHYT.
“Xã Hoài Đức đã thực hiện một cách làm rất hay để huy động người cận nghèo tham gia BHYT. Trước đây, khi đối tượng này bị đau ốm phải nằm viện, bà con hàng xóm kẻ ít người nhiều đều đóng góp hỗ trợ. Tuy nhiên, từ khi triển khai BHYT toàn dân, bà con nhất trí đặt ra “nội quy”, đối tượng nào không tham gia BHYT thì sẽ không được giúp đỡ như trước nữa. Chính sự đồng thuận của người dân cùng sự quyết liệt của chính quyền địa phương đã thúc đẩy tiến trình thực hiện BHYT toàn dân”, ông Thơm chia sẻ.
Tại An Nhơn, mô hình điểm BHYT toàn dân được triển khai tại xã Nhơn Lộc từ tháng 3.2010. Ban chỉ đạo BHYT toàn dân của xã và ban vận động ở các thôn đã trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động, đối tượng cán bộ, đảng viên, viên chức gương mẫu tham gia trước. Đến cuối năm 2010, Nhơn Lộc có 6.890 người tham gia BHYT, đạt 80% dân số. Trên cơ sở đó, năm 2011, mô hình này được nhân rộng ra xã Nhơn Phúc và phường Nhơn Hưng; đến cuối năm đã có 75% dân số của hai địa phương này tham gia BHYT. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; như cuộc thi tìm hiểu “Chúng em với BHYT học sinh”, do BHXH huyện phối hợp với các trường học tổ chức.
Ráo riết vào cuộc
“Bộ Tiêu chí về nông thôn mới sửa đổi có đặt ra tiêu chí “tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 70% trở lên”. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy tiến trình BHYT toàn dân”.
Ông PHẠM MAI, Giám đốc BHXH tỉnh.
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết, trước thực trạng tỉ lệ bao phủ của BHYT còn thấp, hoạt động tuyên truyền sẽ tập trung hướng về cơ sở. Hiện nay, hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện BHYT toàn dân (2010-2012) đã được triển khai ở cấp huyện. Sắp tới, hoạt động tuyên truyền về BHYT được tổ chức ở một số xã. “Phải xuống tận cơ sở để lắng nghe ý kiến của dân, để lý giải cặn kẽ cho họ hiểu. Nhiều người cao tuổi than phiền, sao cứ đi khám là phải đợi, phải giải thích cho họ hiểu về tình trạng quá tải, khó khăn về nhân lực của ngành Y tế. Nhiều người căng thẳng chuyện lâu có thẻ, cũng phải giải thích quy trình làm thẻ phải đảm bảo chặt chẽ, hạn chế tình trạng “lợi dụng” khi có bệnh mới mua BHYT”, ông Mai cho biết.
Hiện nay, hệ thống đại lý BHYT đã được xây dựng tại 159 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, trực tiếp thu, tư vấn tại chỗ các chế độ BHYT. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Từ đầu năm 2012, mức hoa hồng dành cho đại lý đã tăng từ 3,5% lên 4% mệnh giá thẻ. Quyền lợi phải đi kèm trách nhiệm, ông Phạm Mai khẳng định, BHXH sẽ thay đại lý BHYT tại xã nếu 1 tháng không phát triển được thẻ mới.
Còn bác sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, lại nhận định, một trong những giải pháp “căn cơ” để nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT là nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn của Bộ Y tế, các quy định của Luật BHYT, Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vì mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo quyền lợi, không phân biệt đối xử với người bệnh có BHYT.
NGUYỄN VĂN TRANG