Nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh:
Ngăn chặn, xử lý không hiệu quả
Thời gian gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, cả về số vụ lẫn quy mô. Thế nhưng, việc ngăn chặn và xử lý của lực lượng Kiểm lâm và chính quyền các địa phương chưa đạt hiệu quả.
Nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp đang “nóng” tại xã Bok Tới, huyện Hoài Ân.
Phá rừng ở khắp nơi
Tại huyện An Lão, nạn phá rừng diễn ra khá phức tạp. Chỉ trong tháng 5.2016, toàn huyện xảy ra 13 vụ phá rừng, thiệt hại gần 7,8 ha. Tại tiểu khu 47, xã An Quang, có khoảng 2,7 ha rừng chức năng quy hoạch phòng hộ, do UBND xã quản lý đã bị chặt phá. Ở tiểu khu 17, 29, xã An Vinh hay tiểu khu 54a, 58, xã An Nghĩa có 3,8 ha rừng chức năng phòng hộ bị chặt rụi.
Tại huyện Hoài Ân, từ phản ánh của người dân địa phương, phóng viên đã tìm về khu rừng ở khoảnh 3, tiểu khu 118, xã Bok Tới. Tại đây, đã có 1,8 ha rừng, quy hoạch chức năng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân quản lý đã bị húi trọc. Cây rừng có đường kính 5 - 10 cm bị lâm tặc cưa đổ nằm chỏng chơ giữa vạt rừng. Tương tự, gần 1,7 ha rừng ở khoảnh 5, tiểu khu 136 và khoảnh 2, tiểu khu 118, xã Bok Tới, có chức năng phòng hộ cũng bị chặt sạch.
Ông Huỳnh Văn Xuân, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 96 vụ phá rừng với diện tích gần 94 ha, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 94 vụ, diện tích thiệt hại 93,1 ha. Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại huyện An Lão (84 vụ, gần 67 ha), TP Quy Nhơn (1 vụ, gần 18 ha), huyện Hoài Ân (3 vụ, gần 3,6 ha), huyện Vĩnh Thạnh (5 vụ, gần 2 ha), huyện Phù Mỹ (2 vụ, 2,6 ha).
Cùng đó, 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã có gần 57 ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật; so với cùng kỳ năm 2015, diện tích đất bị lấn, chiếm tăng 54,8 ha. Huyện An Lão đang dẫn đầu về nạn phá rừng; tiếp đến là các huyện Phù Cát 18,9 ha, Tuy Phước 9 ha, Tây Sơn 2,6 ha, Vân Canh 2 ha.
Đơn cử, tại tiểu khu 46, xã An Quang (An Lão), hầu như toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp với chức năng quy hoạch sản xuất (có rừng) đã bị chặt, phá để trồng rừng kinh tế.
Chính quyền địa phương “ngại va chạm”
Lý giải vì sao tình hình phá rừng và lấn, chiếm đất lâm nghiệp từ đầu năm 2016 đến nay tăng đột biến, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng thường trực Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho rằng: “Nhiều địa phương lấy lý do tập trung cho công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nên lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Không ít người đứng đầu đơn vị tỏ ra dè dặt, ngại va chạm trong thời điểm “nhạy cảm”. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao, lợi nhuận từ việc trồng rừng mang lại lớn cũng là yếu tố kích thích một số người tham gia phá rừng, chiếm đất”.
Theo ông Dũng, muốn xóa bỏ vấn nạn này cần có một giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành ở địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là phải có những chính sách giải quyết việc làm ổn định, lâu dài cho người dân; đẩy mạnh giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân. Cần hướng dẫn, hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng để người dân ở khu vực gần rừng an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cho người dân. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi phá rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đang hoàn tất hồ sơ xử lý 7 đối tượng tham gia phá rừng, bao gồm: ông Ðinh Văn Dô, trú thôn 1 (xã An Hưng); các ông Ðinh Văn Ân, Ðinh Văn Tâm, Ðinh Văn Lía, Ðinh Văn Hừng cùng trú thôn 3 (xã An Hưng); ông Ðinh Văn Dun, trú thôn 3 (xã An Vinh) và ông Ðinh Văn Cu, trú thôn 2 (thị trấn An Lão). Tất cả 7 đối tượng này đã tham gia phá nhiều diện tích rừng ở tiểu khu 6, 9, xã An Hưng; tiểu khu 19A, thị trấn An Lão và tiểu khu 11, xã An Dũng.
TRỌNG LỢI