Lan rừng: Khai thác tận diệt, mua bán tràn lan
Hơn 2 tháng nay, tại TP Quy Nhơn và các huyện, thị xã lân cận như Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn, An Nhơn xuất hiện một số “shop hoa” di động chuyên bán các loại lan rừng, trong đó có không ít giống lan rừng quý hiếm.
Tại cổng chính Trung tâm Hội chợ - triển lãm Quy Nhơn, hoặc ngã ba Phú Tài, TP Quy Nhơn thường xuyên có những xe tải nhẹ tấp vào lề đường tìm bóng mát bày lan rừng ra bán. Tại các ngã ba, ngã tư các thị trấn của huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn… thỉnh thoảng cũng xuất hiện những “shop lan rừng” di động. Qua tìm hiểu được biết, họ gom lan rừng từ nhiều làng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và các tỉnh lân cận như Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum... Các làng này đã hình thành những nhóm người chuyên săn lan rừng bán sỉ cho các thương buôn với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/cụm lan. Vì lạ và rẻ nên nhiều người mua với số lượng lớn, mỗi ngày các “shop hoa” này tiêu thụ có khi trên 50 cụm lan rừng, lan đã trồng chậu.
Những điểm mua bán hoa, cây kiểng ở TP Quy Nhơn cũng thường bày bán một số giống lan khai thác, như: Nghinh xuân (ở miền Nam gọi là ngọc điểm, miền Bắc gọi là đại châu), thủy tiên, long tu, bạch ngọc, hài hồng, quế lan hương… đa phần là lan đã tạm thích nghi với môi trường ở đồng bằng, số lượng không lớn, nhưng đây là những giống lan quý, cho hoa rất đẹp và bền. Tuy nhiên, nếu ở trên rừng, một cụm nghinh xuân, long tu… có thể cho ra vài chục vòi hoa kết thành một thảm hoa rực rỡ, nhưng khi về thuần dưỡng tại vườn, cụm lan nào cho ra chừng 3 vòi hoa một lúc đã là niềm tự hào của gia chủ.
Cuối năm 2012, trong một lần đi khảo sát, trồng thí điểm một số lâm sản quý tại xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, đã gặp một số người khai thác lan rừng ở đây mà thấy xót xa cho rừng. Bởi trong số lan rừng mà họ đã khai thác có những giống lan rất quý, như: Nghinh xuân (tên khoa học là Rhynchostylis gigantea), thủy tiên (Dendrobium thyrsiflorum)…
Điều đáng buồn là việc khai thác, mua bán lan rừng vẫn còn tràn lan trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn được xem là điều bình thường, chưa thấy các cơ quan liên quan có động thái gì. Mặt khác, cũng chưa thấy ngành chức năng đưa ra phương án bảo tồn, nhân nguồn gene của các giống lan rừng quý hiếm.
Ngọc Diên
Việc khai thác lan rừng có phạm pháp hay không cần có ý kiến của cơ quan quản lý bảo vệ rừng. Nếu việc khai thác là hợp pháp thì làm, nếu trái quy định của Nhà nước thì phải dừng ngay.
Tôi là người chơi lan rừng. Tôi không phải người thành phố ... nên hiểu rõ khai thác lan rừng là như thế nào. Tác giả bài báo trên, bạn có thích hoa lan không? Thế bạn nghĩ, người ta chỉ "diệt" cây lan thôi sao? Không có bọn lâm tặc khai thác rừng bừa bãi, thì làm sao có những người đi theo chân để lụm, nhặt những cành hoa lan rừng này mang về trồng, nhiều quá nên chúng tôi mới mang đi bán lại cho những người yêu thích lan không có điều kiện đi nhặt giống chúng tôi. Chúng tôi thích, chơi lan rừng là ngoài vẻ đẹp của nó, mà còn là với một ý nghĩ : bảo tồn. Nếu những cành lan này không có những người như chúng tôi, thì liệu nó có nằm đó mà phát triển và cho những nhánh hoa nữa không!? Trích ""Điều đáng buồn là việc khai thác, mua bán lan rừng vẫn còn tràn lan trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn được xem là điều bình thường, chưa thấy các cơ quan liên quan có động thái gì. Mặt khác, cũng chưa thấy ngành chức năng đưa ra phương án bảo tồn, nhân nguồn gene của các giống lan rừng quý hiếm.""