Con nuôi
* Truyện ngắn của HÀ MẠNH LUÂN
- Tin tin…
Tiếng còi xe rộ lên đầu ngõ khiến ông Sáu giật mình, rũ vội gấu quần ống cao ống thấp, quờ tìm đôi dép tổ ong, lật đật chạy ra. Một thanh niên tóc vàng hoe, bộ đồ đen từ đầu đến chân, đến màu kính cũng thế, làm nổi nước da trắng mịn.
- Con chào bố!
Ông Sáu đang lúi húi sà đến chiếc then cổng, đột ngột ngẩng nhìn. Ối, thằng Tính - con ông chứ ai! Mới vắng nhà một học kì mà trông nó chẳng khác gì ca sĩ, đến nỗi ông tưởng ai gọi nhầm nhà!
- Vào đi em!
Thằng Tính đẩy chiếc kính đen ngược lên mớ tóc vàng hoe, quay sang giục đứa con gái đang khép nép vịn vào yên xe. Ông Sáu cố tình đi chậm lại phía sau, len lén nhìn đôi trẻ. Cũng quần áo bó sát người, nhưng đứa con gái chọn tông màu đối lập hoàn toàn với con trai ông: toàn thân nó trắng muốt! Không đeo kính, nhưng đôi guốc cao gót dễ đến chục phân, cũng trắng. Ông hình dung ra cặp câu đối hai vế choảng nhau chan chát.
Thôi đúng nó dẫn bạn gái về ra mắt rồi!
- Ý quên, không phải bỏ guốc đâu em, nền gạch!
Thằng Tính khom người định rút dây giày, liền quay sang nói với đứa con gái.
- À, ừ, có phải nền đá hoa đâu mà bỏ dép, bẩn chân đấy! - Ông Sáu vội cười xòa, rảo bước vào nhà, hạ cái bát điếu để xuống gầm bàn. Ông rót xong chén nước chè đầu tiên, thằng Tính đỡ lấy, đẩy về phía đứa con gái…
- Bố, đây là Hoa, bạn gái của con, người Hà Nội.
Rồi quay sang ông, nó tiếp:
- Còn đây là bố… Sáu của anh!
Hai ánh mắt lạ lẫm len lén chạm nhau.
“Thằng Tính là con trai mình” - trong trí óc ông vang vang ý nghĩ đó. Hình như để trấn an. Hình như ông đang bị động, lúng túng trước điều gì đó vô hình, ngay chính trong căn nhà của ông.
- À, hai đứa ngồi, bố ra vườn hái nắm rau làm cơm kẻo muộn, chắc tụi bây đói lắm rồi nhỉ!
- Thôi không cần đâu bố, chúng con qua nhà một lát rồi đi ngay!
- Sao? việc gì mà vội thế?
- Chiều nay tụi con phải có mặt ở Hà Nội cho kịp buổi hội.
Thế thì chịu rồi! Tụi trẻ bây giờ, đứa nào cũng bận bịu công việc, động một tí là lôi lịch học, lịch làm ra. Ông cản làm sao được. Chúng nó khác ông, khác cái thời của ông. Nhưng chắc phải vậy mới khá lên được.
Nhưng, ông buồn lòng quá. Ông muốn nói. Ông định cản. Ông muốn nói, với riêng con trai ông thôi, rằng ông nhớ nó lắm! Kể từ khi vào đại học, đến nay đã một năm ruỡi mà thằng Tính chỉ về nhà có ba lần. Ba lần cách đều nhau khoảng thời gian năm tháng.
Nhưng, ông không cản nữa. Bởi lý do ông sẽ đưa ra để giữ con trai ông lại ấy, nghe có vẻ ỉ ôi quá. Lớp trẻ bây giờ sống khác, suy nghĩ cũng “thoáng” hơn.
Chiếc LEAD mới coóng rồ ga phóng đi, để lại làn khói đen trước cổng. Ông Sáu không quen hít thứ khí này, nó làm ông ho. Trở vào nhà, ông lại ngồi phịch xuống ghế, lôi chiếc bát điếu để lại mép bàn. Không thấy đói. Có lẽ qua cơn đói rồi. Ông Sáu đưa mắt nhìn lên bàn thờ. Bức ảnh hiện một khuôn mặt phụ nữ với nụ cười rạng rỡ, nhưng hình như ánh mắt kia không hợp với nụ cười cho lắm. Ánh mắt trầm buồn, xa xăm quá, như nhìn thẳng vào tâm can ông, đồng điệu với cảm giác cô đơn trong ông lúc này.
Thằng Tính, kể từ hai tuần nay, ông đã mong ngóng nó về để khoe cái giấy chứng nhận hộ nghèo. Chao ôi, đến tận lúc cầm tờ giấy trên tay rồi mà ông vẫn run run, không tin vào sự thật. Ba năm nay, ông mong mỏi nó ngược xuôi mà đâu có được. Là vì: giấy này hộ trung bình, hộ khá, hộ giàu cũng mong có nó. Con em họ theo học đại học, cao đẳng sẽ được miễn giảm học phí, có nhiều ưu đãi trong mọi mặt đời sống một sinh viên xa nhà, dại gì mà không bỏ ra một khoản nhỏ để “chạy”. Cái suất hộ nghèo đương nhiên phải có của ông đã lặng thầm rơi vào tay kẻ khác. Ông biết lắm. Nhưng phận con ong cái kiến như ông thì làm được gì.
Nhưng giờ đây, sự thật là ông đã được cấp giấy đấy. Cái nghèo thì giấu đi đâu được, bà con láng giềng có mắt chứ. Nhiều lời xì xào bàn ra tán vào, các ông bên xã sợ, phải vội vàng cấp giấy cho. Vậy là thằng Tính con ông sẽ không phải lo gì nữa cả.
Nhớ hồi thằng Tính cầm cái giấy báo điểm thi đại học trên tay, lủi thủi quay trở vào con ngõ, mặt buồn như đưa tang. Ông Sáu ngậm ngùi định vỗ vai nói: “Thôi con ạ, năm nay không đỗ thì để năm sau…”, nhưng nó chìa tờ giấy về phía ông, suýt nữa ông Sáu ngất lịm. Ba con chín thẳng hàng tăm tắp. Rồi ông bần thần nghĩ tới khoản tiền nhập học tiếp theo. Nguyên việc thằng Tính lên Hà Nội thi cử, ông đã phải đi vay nợ khắp nơi.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, một buổi tối, ông Sáu nghe có tiếng còi xe “tin tin” ngoài đầu ngõ. Chiếc ô tô con đen bóng nháy đèn, ông ra mở cửa mà tay run bần bật. Một cặp vợ chồng trung niên bước vào, tự giới thiệu là chủ tiệm thuốc Bắc Thành Lợi trên thành phố. Ông Sáu há hốc mồm. Cái tiệm thuốc ba tầng dài thườn thượt, lúc nào cũng nườm nượp người vào ra. Ông đã dùng thuốc ở đấy một thời gian dài - hồi vợ ông còn sống.
- Chúng tôi muốn nhận cháu Tính làm con nuôi, bác thấy thế nào? Người đàn ông cất lời. Tim ông Sáu đập loạn nhịp. Phút chốc, tai ông ù đi, nghe ồ ồ như niềm vui sướng đang rân rân trào dâng. Vậy là có cứu tinh rồi! Ông biết mà, thằng Tính con ông học giỏi thế, lẽ nào trời lại phụ công.
Ông tuy nghèo, nhưng cái hạnh phúc lớn lao của riêng ông thì không bao giờ ông chịu đánh đổi để lấy bất cứ thứ gì khác! Đi qua chiến tranh, mang trên mình những vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn. Mất hết giấy tờ xác nhận, nhưng cái đích làm ông mãn nguyện: ấy là cuộc sống hòa bình hôm nay, ấy là người vợ hiền từ đã khuất nhưng luôn là nguồn động viên an ủi ông sống nốt phần đời còn lại, nuôi thằng Tính nên người. Ước mơ một thời ông gửi lại chiến trường, còn giấc mơ tương lai thằng Tính sẽ thay ông làm tiếp. Nó giỏi giang, ông tin ở nó như niềm tin của một con chiên ngoan đạo với vị Chúa trong lòng mình.
Ông trời không cho ai tất cả, cũng không để ai không có một thứ gì. Như vợ chồng ông Thanh - chủ tiệm thuốc Bắc Thành Lợi - bố mẹ nuôi của thằng Tính bây giờ. Thanh danh, ơn đức, tiền bạc có thừa, nhưng vợ chồng ông lại phải gánh chịu một bất hạnh không gì sánh nổi: ấy là không có con! Bốc thuốc chữa bệnh biết bao nhiêu người, để rồi đành bất lực với căn bệnh của chính mình. Thằng Tính là con nuôi, nhưng ông coi nó như con đẻ. Nhà ông cũng là nhà nó. Xe ông đi, nó có thể dùng, tiền mỗi tháng học đại học nó tiêu không hết.
Ôi thôi, nghĩ đến đây, ông Sáu lại giật mình. Ừ nhỉ, tiền thì cần gì nữa. Thằng Tính con ông cần gì nữa. Cái giấy hộ nghèo có khi còn là tai vạ. Vậy thì ông sẽ lại gặp mấy ông bên xã, xin nhượng lại giấy này cho một gia đình nào đó, khó khăn như ông. Các ông bên xã sẽ lại cười, hoặc hoang mang, vì sự lạ chưa từng có. Ông không quan tâm nữa. Riêng nỗi đau trong lòng ông giờ đây, mới là thật. Nó âm ỉ, dai dẳng. Nước mắt bao giờ cũng nặng hơn niềm vui, nó chìm ở dưới. Ông đang nghe nó cuộn lên trong lòng. Cái giấy hộ nghèo, thằng Tính cần gì nữa. Ông bàng hoàng khi nhận ra rằng: nếu lúc nãy ông đưa cái giấy khoe với con trai ông, trước mặt người yêu nó, có thể, nó sẽ sầm mặt. Nhà lầu, xe hơi, người yêu đẹp, nó đang sẵn có.
Một năm rưỡi rồi, vẻn vẹn chỉ ba lần thằng Tính về nhà. Ba lần, ngoại trừ dịp Tết, còn thì lần nào nó cũng ở không quá hai ngày. Ông Sáu bỗng nghe văng vẳng tiếng “tin tin” từ đâu vọng lại. Chiếc ô tô con đen bóng của ông Thanh, hay chiếc LEAD mới coóng mà thằng Tính vừa cưỡi về, sao nghe tiếng còi giống nhau đến thế, nó đều khiến ông giật mình.
Ông Sáu bỗng thấy khoảng sân trước nhà mờ đi, nhòe nhoẹt nước. Bóng thằng Tính với đứa người yêu nó, trong hai bộ đồ bó tương phản nhau, như hai vế đối chan chát lại hiện về. Môi ông mấp máy, chỉ thốt lên được hai chữ: “Con... nuôi!”.
H.M.L