An Lão: Nhiều SVĐ xuống cấp, phong trào luyện tập TDTT gặp khó khăn
Nhiều công trình phục vụ hoạt động TDTT ở huyện An Lão được đầu tư với số vốn không nhỏ, nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân mà còn tác động tiêu cực đến phong trào TDTT tại địa phương.
SVĐ An Tân không có khung thành, không tường rào cổng ngõ, thường xuyên bị người dân biến thành nơi chăn thả trâu bò.
Ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện An Lão, cho biết: Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7 xã được đầu tư, xây dựng sân vận động (SVĐ) phục vụ các hoạt động TDTT, văn hóa tại địa phương. Hiện nay, hầu hết SVĐ đã xuống cấp, khiến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của người viết, xuống cấp nặng nhất là SVĐ tại 2 xã An Tân và An Hưng. SVĐ xã An Tân nằm trong Khu sinh hoạt văn hóa - thể thao xã, được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2013, diện tích trên 0,8 ha với kinh phí xây dựng trên 650 triệu đồng. Được đầu tư khá bài bản nhưng SVĐ này lại không có hệ thống thoát nước nên hễ trời mưa là sân bị ngập nước. Bà Bùi Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết: “Chuyện SVĐ bị ngập nước khi trời mưa có từ khi mới khánh thành. Xã nhiều lần kiến nghị huyện bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp rồi, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì”.
Không chỉ có vậy, SVĐ xã An Tân cũng chưa có tường rào cổng ngõ nên nhiều người dân địa phương nhân đó đã biến nơi này thành nơi chăn thả gia súc và làm bãi tập kết rác. Ông Lê Văn Quốc, trú xã An Tân, ngán ngẩm: “SVĐ được đầu tư xây dựng tốn hàng trăm triệu đồng, nhưng lại không được tổ chức quản lý, bảo quản tốt nên dần dà biến thành bãi đất hoang, ô nhiễm môi trường. Thật là lãng phí quá!”.
“Các sân chơi thể thao của huyện đã có, nhưng số lượng và chất lượng sân chưa đáp ứng được yêu cầu tập luyện của người dân. Do khó khăn về kinh phí, nên địa phương chưa thể đầu tư, xây dựng các SVÐ, nhà thi đấu một cách thật bài bản”.
Ông BÙI TIẾN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão
SVĐ xã An Hưng được đầu tư xây dựng vào năm 2013 với vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng. Được xây dựng ở khu đất cao ráo nên SVĐ An Hưng không bị ngập nước như SVĐ An Tân. Nhưng do không có hệ thống kè nên công trình này thường xuyên bị xói lở, nứt nẻ mặt sân.
Còn SVĐ của huyện được xây dựng tại thị trấn An Lão hiện cũng chỉ là một bãi đất bằng không hơn không kém. Mặt sân không được bảo quản nên xuất hiện khá nhiều điểm mấp mô, cao thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động TDTT. Do không có tường rào cổng ngõ, nên SVĐ này cũng bị biến thành bãi chăn thả gia súc.
Năm 2013, để xây dựng Khu sinh hoạt văn hóa - thể thao của huyện, nhà thi đấu đa năng - xây dựng cách đây 10 năm, được tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng - đã bị đập bỏ. Vậy nhưng, đến nay huyện chưa có kinh phí để xây dựng công trình thay thế. Thực trạng này dẫn đến việc các môn thi đấu trong nhà như cầu lông, bóng bàn ở huyện An Lão hầu như không có điều kiện phát triển.
“Khi còn nhà thi đấu đa năng, hằng năm, các ngành, đoàn thể của huyện tổ chức rất nhiều giải bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn. Từ khi nhà thi đấu không còn, phong trào đi xuống hẳn”, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện An Lão, thừa nhận.
Thiết nghĩ, việc quan tâm phát triển phong trào TDTT ở các địa phương miền núi sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, tỉnh, ngành TDTT cần có cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho những địa phương này để phong trào ngày càng phát triển, tránh sự chênh lệch giữa các vùng đồng bằng và miền núi. Ở cấp độ địa phương, huyện An Lão và UBND các xã, thị trấn có công trình thể thao cần thực hiện tốt việc quản lý; đồng thời, có những chế tài xử phạt cụ thể đối với những trường hợp có hành vi phá hoại công trình.
NGUYỄN HỒNG PHÚC