Mong lắm thay!
Trong tuần tới, hàng triệu sĩ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Đây là bậc học nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia, là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Thực tế phát triển của thế giới cho thấy không quốc gia nào có thể phát triển cao nếu không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trang bị đầy đủ tri thức cần thiết. Vì vậy, giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng chính là “bệ phóng” để cho ra đời nguồn nhân lực có chất lượng như chúng ta mong muốn.
Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng phát triển giáo dục đại học của nước ta trong thời gian qua chúng ta vẫn thấy còn nhiều hạn chế. Hạn chế dễ thấy là tỉ lệ sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm ở mức cao, số sinh viên ra trường nhưng chưa thể làm việc ngay mà phải đào tạo lại cũng không nhỏ. Mặc dù các hệ đào tạo chính quy hay không chính quy giá trị bằng cấp được công nhận là tương đương, nhưng nhiều địa phương, cơ quan đã từ chối tuyển dụng sinh viên hệ dân lập, tại chức vì cho rằng chất lượng thấp. Tình trạng nhức nhối nổi cộm chưa khắc phục được là sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ, hình thức đào tạo; nhiều cơ sở đào tạo không bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không bảo đảm chất lượng vẫn ra đời; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trái quy định, chất lượng thấp…
Nhu cầu học tập của xã hội ngày càng lớn và là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên người học không thể chủ động trong việc tạo nên chất lượng đào tạo. Muốn có chất lượng sản phẩm đào tạo tốt thì trước hết phải có cơ sở đào tạo tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Gần đây đã có hàng chục trường, hàng chục ngành vi phạm bị đình chỉ tuyển sinh hoặc thu hồi giấy phép đào tạo tiến sĩ của nhiều cơ sở đào tạo do không đảm bảo điều kiện quy định là một tín hiệu tốt. Song thực tế cũng cho thấy còn nhiều cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện, chưa đảm bảo chất lượng vẫn còn hoạt động. Do đó, trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm chính và không thể thay thế trong việc xác lập và tạo ra môi trường đào tạo chuẩn mực đáp ứng cho nhu cầu của xã hội và sự phát triển chung. Một trong những việc cần làm ngay trong bối cảnh hiện nay để cải thiện môi trường và chất lượng giáo dục đào tạo là kiên quyết chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý giáo dục đại học, lấy chất lượng là hàng đầu chứ không chạy theo số lượng như lâu nay. Cần xác định phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong việc tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo.
Vì vậy, điều mà xã hội đòi hỏi và kỳ vọng là đất nước sớm có hệ thống giáo dục đào tạo đủ mạnh để đào tạo ra nguồn nhân lực thực sự có chất lượng. Có lẽ đây cũng là điều mà hàng triệu sĩ tử ứng thí trong kỳ tuyển sinh này luôn mong mỏi và kỳ vọng. Bởi như vậy họ sẽ yên tâm chọn cho mình một địa chỉ đào tạo phù hợp để theo học và chuẩn bị cho tương lai của mình chứ không chỉ học để mà học.
HẢI ÐĂNG