Thiếu nhi, thiếu niên Quy Nhơn học năng khiếu nghệ thuật dịp hè: Rộn ràng vào mùa
Tương tự như với các bộ môn TDTT, đến hè, nhu cầu học các môn năng khiếu nghệ thuật (NKNT) của thiếu nhi, thiếu niên Quy Nhơn lại tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Hiện nay, các nhà văn hóa, cơ sở tư nhân trên địa bàn đã và sẽ còn tiếp tục mở nhiều lớp năng khiếu để đáp ứng nhu cầu.
Việc học, bồi dưỡng NKNT - theo ghi nhận cho thấy, bên cạnh phong trào học rộ, “cấp tốc” ngắn hạn trong dịp hè, không ít em được gia đình cho theo học suốt cả năm, liên tục nhiều năm như một cách hiệu quả cân bằng hài hòa giữa hai việc học và thư giãn giải trí, đồng thời chăm lo năng khiếu kiểu “sâu rễ bền gốc”.
Học đàn guitar tại cơ sở dạy nhạc Sóng Xanh.
Vào mùa
Sau vài năm hoạt động hè khá trầm lắng do thiếu địa điểm, cơ sở vật chất, hè 2016 này là năm Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn tập trung vực dậy phong trào sinh hoạt hè cho thiếu nhi, thiếu niên trên địa bàn, bằng việc thiết thực mở nhiều lớp NKNT đa dạng bộ môn, loại hình.
Ngoài những môn TDTT, luyện chữ đẹp, kỹ năng sống, các môn NKNT được mở trong hè này, gồm: múa (dân gian và balê), hát, đàn (nhiều nhạc cụ), vẽ, nhịp điệu thiếu nhi - aerobic, đặc biệt lần đầu tiên, Trung tâm này khai giảng 2 lớp: kịch ngắn - tiểu phẩm và kỹ năng biểu diễn; dân ca bài chòi. Hiện, mỗi lớp có khoảng 20 người đăng ký học, lịch học bắt đầu từ ngày 6.6.
Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, CLB múa Chích Chòe Bông là một trong những lớp NKNT hoạt động rất hiệu quả, duy trì dạy - học múa suốt trong năm (vào 2 chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần) và đặc biệt sôi nổi vào dịp hè. Theo diễn viên, biên đạo múa Châu My, giáo viên phụ trách CLB, hiện CLB có 55 bé đang theo học, trong đó 20 bé là thành viên CLB, gắn bó và cộng tác, sinh hoạt lâu dài tại CLB. “Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, hè này CLB sẽ mời thêm giáo viên múa chuyên môn bên aerobic, múa bụng, khiêu vũ, nhảy hiện đại đứng lớp để có thể phát hiện và phát huy thế mạnh năng khiếu của từng cháu”, cô giáo Châu My cho biết.
Năm nay, phong trào học NKNT hè tại ở các cơ sở tư nhân cũng khá sôi động. Tại Trung tâm Âm nhạc Sóng Xanh (cơ sở dạy nhạc trên đường Trần Cao Vân, Hà Huy Tập - TP Quy Nhơn), cứ đến hè là chủ Trung tâm - cô giáo Thanh Hoàng - cho tất cả học viên là người lớn tạm nghỉ, để ưu tiên, tập trung dạy cho học viên là học sinh. Trung tâm tổ chức dạy 4 loại nhạc cụ: guitar, piano, organ và đàn tranh, trong đó, theo cô Thanh Hoàng, các bé tiểu học thích học organ nhất, còn học sinh cấp 2, 3 đa số học guitar. Hiện tại, học viên tại hai cơ sở có khoảng 40 em, trong tuần, Trung tâm chỉ nghỉ sáng thứ Ba và thứ Năm. “Đến khi vào năm học, lượng học viên là học sinh giảm hơn nửa, chỉ còn lại những cháu thật sự yêu thích và được gia đình quan tâm, định hướng chăm sóc năng khiếu lâu dài”, cô giáo Thanh Hoàng cho biết.
Phát triển năng khiếu: không thể “cấp tốc”
Cô giáo Châu My ở CLB múa Chích Chòe Bông tâm sự: “Rất nhiều phụ huynh tỏ ra sốt ruột, muốn con phải múa được những bài múa cụ thể và lên sân khấu biểu diễn mà xem nhẹ phần nền tảng múa, nhất là việc dạy các động tác mất nhiều thời gian. Để hài hòa, giáo viên phải linh động dạy đan xen giữa múa căn bản và tập các bài múa mới, cho thực hành trên sân khấu… mới đáp ứng nhu cầu và giữ chân học viên”.
Cháu Nguyễn Thị Bảo Trân, năm nay lên lớp 7 (nhà ở đường Hai Bà Trưng, Quy Nhơn) kể, từ tuổi mầm non đã được ba mẹ cho học đàn organ và em biết chơi đàn này thuần thục đến giờ. Mới đây, nhân dịp nghỉ hè, khi em nói với ba mẹ về mong muốn được học thêm đàn guitar, ba mẹ cũng rất hoan nghênh. Hay học viên guitar nhỏ tuổi nhất ở Trung tâm âm nhạc Sóng Xanh, bé Quốc Phong (lớp 4), được gia đình cho học đàn guitar suốt từ lớp 2 đến nay…
Cô giáo Thanh Hoàng chia sẻ: “Nhiều học viên học đàn hè năm trước, hè năm sau đến học, thường sẽ không phải là học tiếp, nâng cao lên mà thường là… học lại, vì gần như quên nhạc, tay đàn thì cứng. Thực tế này đã được nhiều phụ huynh rút kinh nghiệm, thay vì để con nghỉ hẳn cả 9 tháng, trong năm học họ vẫn sắp xếp ít nhất tuần 1 buổi để con giữ tay đàn, hơn nữa là để nuôi dưỡng năng khiếu lâu bền, một cách thư giãn nhẹ nhàng, cân bằng chống lại áp lực học căng thẳng”.
Có thể thấy, phong trào học NKNT thường rộ lên mỗi dịp hè, đây là “phần thưởng” cho các em sau một năm học căng thẳng, cũng là một cách phụ huynh quản lý quỹ thời gian nghỉ hè của con em mình trước những tệ nạn xã hội hay những trò tiêu khiển, giải trí tiêu cực. Điều này phù hợp với những em không bộc lộ năng khiếu nổi trội hay yêu thích mạnh mẽ. Còn để bồi dưỡng, phát huy năng khiếu cho những trẻ có tố chất hay đam mê, tự mỗi phụ huynh đều biết, không chỉ trong vài tháng hè ngắn ngủi.
SAO LY