Tỉ phú trồng rừng
Hơn 20 năm qua, từ mồ hôi, công sức của ông, hàng trăm ha đất đồi hoang khô cằn sỏi đá đã thành những khu rừng bạc tỉ. Đó là tỉ phú trồng rừng Cù Văn Mẫn (56 tuổi, ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước). Ông hiện đang sở hữu trên 100ha rừng nguyên liệu giấy với mức lợi nhuận từ việc trồng rừng gần 1 tỉ đồng/năm.
Chúng tôi gặp ông vào một ngày cuối tháng 6, khi ông cùng với trên chục công nhân đang bận rộn cho công việc chăm sóc, phát dọn chồi ở những khu rừng keo lai một năm tuổi đang phát triển sum suê dưới chân núi Đá Vàng thuộc xã Phước Thành. Đúng như chúng tôi hình dung, tỉ phú trồng rừng Cù Văn Mẫn là một nông dân cao ráo, rắn rỏi cùng phong thái nhanh nhẹn, linh hoạt và khá gần gũi.
Duyên với rừng
Nói về những ngày đầu trồng rừng, ông bộc bạch: “Vốn là bộ đội, năm 1983 tôi xuất ngũ, về lại quê nhà. Do không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập khá bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Đến đầu năm 1990, nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi nhiều ngọn đồi bỏ hoang, lãng phí, tôi tự nhủ rằng mình cần phải chọn nghề trồng rừng để làm giàu. Cũng vào thời điểm đó, Nhà nước có chương trình PAM, phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhận thấy đây là cơ hội làm giàu nên tôi càng quyết tâm đánh thức vùng đất trống, đồi núi trọc ở Phước Thành quê mình, biến nó thành những khu rừng kinh tế”.
“Trung bình mỗi héc ta keo lai, bạch đàn sau 5-7 năm trồng, nếu được chăm sóc tốt cho năng suất khoảng 100 tấn gỗ nguyên liệu, với giá thu mua như hiện nay dao động từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn; mỗi ha rừng sẽ cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 40 - 60 triệu đồng/ha”
Được sự hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, ông Mẫn tích cực tìm đến nhiều nơi, nhiều người đi trước để học hỏi cách trồng rừng kinh tế có hiệu quả. Ông cũng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng... Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, ông gặp không ít khó khăn ở bước đầu khởi nghiệp. Giống cây lâm nghiệp phải tự mua, tự vận chuyển về, đất đai cằn cỗi nhiều chỗ cỏ tranh khỏa lấp nên cây trồng khó sống được. Cùng với đó là thiên tai nắng nóng, bão lũ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng… Lúc bấy giờ, ông có cảm giác như tất cả mọi thứ đang “chống lại” việc trồng rừng của ông.
Nhưng với khí chất của bộ đội cụ Hồ, bằng vào quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính bản thân mình, cũng như xóa đi sự hoài nghi về con đường làm giàu chính đáng trên vùng đất được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở nơi chôn nhau cắt rốn, đã tạo thêm động lực, niềm tin giúp ông vượt qua mọi thử thách. Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng bạch đàn đầu tiên cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Ông lại tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất để tăng thêm diện tích trồng rừng. Những năm qua, công việc trồng rừng của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập từ 4 triệu - 4,5 triệu đồng/tháng, cùng hàng trăm lao động tham gia trồng rừng và khai thác rừng trồng được trả công theo mùa vụ.
Nhớ lại lúc mới trồng rừng, ông cho biết: “Những năm đầu, lúc mới bắt tay vào nghiệp trồng rừng, nhiều người trong làng cho tôi bị “gàn gàn” vì họ thấy lạ, xưa nay rừng cho gỗ, cho thú rừng chứ ai đi “vãi thóc” trồng rừng bao giờ? Dần dà thời gian, những cây bạch đàn nhỏ bé ngày nào cứ cao lớn, xanh tốt, cho thu hoạch, cho thu… tiền! Bà con lúc bấy giờ mới thấu hiểu được công việc tôi làm nên quay sang nhờ chỉ dẫn phương thức và kỹ thuật chọn giống, trồng rừng...”.
Trở thành tỉ phú trồng rừng
Từ đôi bàn tay, trí óc, công sức, với vài héc ta rừng ban đầu, cộng với tinh thần ham học hỏi, ý chí vượt khó vươn lên trong sản xuất, đến nay, lão nông Cù Văn Mẫn đang sở hữu riêng cho mình một khối tài sản “vàng xanh” trên 100ha ở xã Phước Thành (Tuy Phước), Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) và có cả rừng trồng ở huyện Phù Mỹ…
Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế của những rừng keo, bạch đàn của mình, ông Mẫn khẳng định chắc nịch, mỗi héc ta keo cho mức lãi từ 60 - 70 triệu đồng sau từ 5-7 năm trồng, chăm sóc. Thấy chúng tôi lấy con số lãi trung bình là 60 triệu đồng/ha nhân với 100 ha rừng ra đáp số là ông có mức thu nhập “khủng” cỡ 6 tỉ đồng mỗi năm, ông Mẫn lắc đầu, cười và bảo rằng đó chỉ là cách tính số học thuần túy, chuyện làm ăn không dễ dàng như vậy.
Rồi ông phân tích: “Thực tế, để có một diện tích lớn rừng trồng thì nguồn lực đầu tư không hề nhỏ. Vấn đề là việc thu hồi vốn phải đảm bảo ổn định, lâu dài. Theo đó, diện tích rừng của tôi tăng dần sau mỗi năm chứ không phải có ngay một lúc. Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm gia đình tôi khai thác 20ha, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Trong quãng thời gian trồng lại rừng, những diện tích rừng trồng các năm trước sẽ cho thu hoạch liền kề, cứ thế “gối đầu”, việc trồng mới sẽ diễn ra liên tục trong các năm, việc khai thác cũng vậy, không chỉ đảm bảo về công ăn việc làm mà ổn định cả về thu nhập”.
Theo ông Mẫn, trung bình mỗi héc ta keo lai, bạch đàn sau 5-7 năm trồng, nếu được chăm sóc tốt cho năng suất khoảng 100 tấn gỗ nguyên liệu, với giá thu mua như hiện nay dao động từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn; mỗi ha rừng sẽ cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 40 - 60 triệu đồng/ha. Và với 20 ha rừng nguyên liệu khai thác hằng năm theo chu kỳ trong tổng quỹ diện tích 100 ha rừng hiện có, mỗi năm gia đình ông có mức lợi nhuận gần 1 tỉ đồng.
Khi chúng tôi hỏi về bí quyết phát triển kinh tế rừng, ông Mẫn vui vẻ cho biết: “Rất đơn giản. Để làm kinh tế rừng thành công, đòi hỏi người nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để công việc mua bán diễn ra “thuận buồm xuôi gió”. Một vấn đề nữa là các sản phẩm mình làm ra phải có nơi tiêu thụ cụ thể, rõ ràng, có ký kết bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn phù hợp, bởi lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên có những rủi ro do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, giá cả thị trường… Nếu không có sự tính toán, khả năng dự báo thị trường tốt, nguy cơ thất bại là rất cao”.
Trả ơn… đời
Thoạt đầu, nhìn khuôn mặt sạm đen, dáng vẻ chất phác, và nếu không ngồi cạnh ông trên chiếc Fortuner cáu cạnh ông vừa “tậu” với giá hơn 1 tỉ đồng, chắc không ai nghĩ ông là tỉ phú. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, ông nghiệm ra rằng: “Với người nông dân chân đất như mình, quần quật lao động cho có đủ cái ăn, cái mặc cũng là niềm vui, là hạnh phúc rồi. Giờ con đường làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn, gặt hái nhiều thành công, thì bên cạnh mồ hôi, công sức mình bỏ ra, còn là cái ơn giúp đỡ của nhiều người trước đây, và cũng là lộc trời mang lại…”.
Từ suy nghĩ như vậy, cùng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ông sẵn lòng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ông thổ lộ: “Cuộc sống bà con nông dân quê mình còn lắm gian truân, nên dù việc nhỏ hay lớn, nếu trong khả năng mình giúp đỡ được thì tui luôn sẵn lòng. Ngày trước tui cũng vậy, nếu không có sự chung tay giúp đỡ, động viên kịp thời của mọi người thì chưa chắc hôm nay tôi đã có được cơ ngơi và sự nghiệp như vậy”.
Với tỉ phú trồng rừng Cù Văn Mẫn, hạnh phúc không chỉ là thành công trong việc làm ăn, mà như lời tâm tình đầy tự hào của ông, cái lớn nhất là sự thành đạt của con cái. “Hiện nay 3 đứa con của tôi đều ăn học đến nơi đến chốn và đã có công ăn việc làm ổn định”. Ông cười mãn nguyện khi nói về những người con của mình!
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN - TRỌNG LỢI
Con chuc bac 7 luon thanh cong va phat trien nghe rung de ba con que minh co cong an viec lam on dinh va them thu nhap.