Nước Pháp trước vận hội lớn
Pháp mở màn Euro 2016 bằng buổi hòa nhạc dưới chân tháp Eiffel diễn ra vào đêm hôm qua với khoảng 80.000 khán giả với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới như Enrique Iglesias, Ariana Grande, Christophe Mae… cùng DJ David Guetta - đại sứ âm nhạc tại giải đấu.
Lễ khai mạc Euro 2016 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 10.6 (1 giờ ngày 11.6, Việt Nam) tại sân Stade de France. David Guetta và Zara Larsson sẽ mở màn bằng ca khúc chính thức “This One’s For You”. Sau đó là không gian âm nhạc điện tử với màn trình diễn piano độc đáo của nghệ sỹ Adam Gyorgy. Cùng lúc đó, 800 tình nguyện viên đến từ hơn 60 quốc gia sẽ tái hiện lại lịch sử nước Pháp thông qua các tiết mục đặc sắc. Lễ khai mạc sẽ diễn ra trong 30 phút trước khi diễn ra trận khai mạc giữa Pháp và Rumania.
Theo thống kê, trong 18 kỳ Euro và World Cup gần đây nhất thì chỉ có 2 lần nước đăng cai đoạt chức vô địch và thật thú vị, đó chính là Pháp - nước chủ nhà của Euro 1984 và World Cup 1998. Có rất nhiều sự trùng hợp về đội tuyển Pháp tại Euro 2016 với World Cup 1998 khi mà nước Pháp đang xảy ra nhiều bất ổn nhưng đội bóng của họ lại sở hữu nhiều ngôi sao thế giới và thể hiện một tinh thần đoàn kết. Lần gần nhất, đội bóng áo lam có được tinh thần ấy là vào năm 2006, khi họ vào đến trận chung kết World Cup. Trong 14 trận đấu gần nhất, Pháp thắng 13 và chỉ thua 1 (thất bại trước tuyển Anh ngay sau vụ khủng bố tại Paris). Có lẽ, chưa bao giờ nước Pháp lại tràn trề hy vọng và sự mạnh mẽ đến như vậy.
Trước giờ khai mạc Euro 2016, nước Pháp vẫn phải đối diện với nguy cơ an ninh và làn sóng biểu tình. Nỗi lo là có thật nhưng trong sự bất ổn ấy, Euro 2016 lại giống như một ngọn lửa sưởi ấm, kéo mọi người gần nhau hơn.
Một bài xã luận trên tờ Yorkshirepost của nước Anh viết rằng: “Nếu nước Anh vẫn còn đang tranh cãi việc rời khỏi Liên minh châu Âu hay không thì trên sân cỏ, Vương quốc Anh gần như là một thể thống nhất với Anh, Bắc Ireland, Xứ Wales và có thể kể thêm cả CH Ireland nữa. Rõ ràng, bóng đá là một quyền năng tạo nên sự thống nhất và đó là hy vọng của tất cả mọi người”.
Việc mở rộng lên 24 đội khiến Euro nay đã không còn là một sự kiện thể thao đơn thuần. Châu Âu đang được kéo lại gần hơn, mọi người có quyền hy vọng giải đấu này sẽ là một “bữa tiệc thịnh soạn” của bóng đá và văn hóa. Cựu danh thủ người Anh Gary Lineker từng phát biểu: “bóng đá là trò chơi đơn giản, với 22 người đàn ông đuổi theo 1 quả bóng trong suốt 90 phút và cuối cùng, người Đức luôn giành chiến thắng”, điều đó thường đúng với đội tuyển Anh mỗi khi gặp người Đức nhưng với bóng đá hiện đại, bất ngờ giờ đã là một phần không thể thiếu. Năm 1992, Đan Mạch vô địch Euro 2012 dù chỉ được tham dự vào giờ chót. 12 năm sau, đến lượt Hy Lạp dựng tượng các vị anh hùng của mình trên đất Bồ Đào Nha. Bất kỳ những ai đến nước Pháp mùa hè này, hẳn luôn mang theo mình hình ảnh của trận giao hữu Anh - Pháp trên sân Wembley cuối năm trước, khi La Marseillaise được cất lên sau sự kiện khủng bố tại Paris. Sự thống nhất ấy, có lẽ chỉ đến từ bóng đá.
Tiểu thuyết gia lừng danh người Anh Geogre Orwell từng viết: “Bóng đá quốc tế là một sự tiếp nối của chiến tranh nhưng mang những ý nghĩa khác”. Có thể là như vậy. Bóng đá đã thay đổi rất nhiều, những “cuộc chiến” về các khía cạnh chiến thuật trên sân cỏ lại là nguồn động lực để mọi người đứng chung “chiến hào” và mơ ước những điều tốt đẹp, như cách mà nước Pháp đang làm để chào đón ngày hội lớn của bóng đá châu Âu.
Theo Việt Quang (SGGP)