Bảo đảm hiệu quả công tác DS-KHHGĐ
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết, hết năm 2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ từ Trung ương đến địa phương đều kết thúc. Bộ Y tế đã đề xuất phương án về một chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020; trong 8 dự án thành phần của chương trình này có dự án 3 là Dân số và Phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chương trình mục tiêu Y tế - Dân số vẫn đợi Quốc hội phê duyệt. Do đó đến nay, công tác DS-KHHGĐ chưa thể xác định được các trọng tâm để đầu tư đúng hướng, cũng như chưa có kinh phí để triển khai hoạt động.
● Được biết, ngoài nguồn Trung ương, tỉnh ta cũng bố trí kinh phí dành cho công tác DS-KHHGĐ. Năm 2016, nguồn kinh phí này được đảm bảo như thế nào, thưa ông?
- Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã phân bổ 980 triệu đồng để các địa phương triển khai công tác DS-KHHGĐ. Trong hoàn cảnh khó khăn chung về kinh phí, nguồn Trung ương chưa biết khi nào mới có, đây chính là sự hỗ trợ rất lớn để ngành DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động chuyên môn.
Ngoài ra, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo, ven biển giai đoạn 2009-2020 còn hiệu lực và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 vừa được ban hành giúp một số hoạt động cụ thể trên lĩnh vực DS-KHHGĐ được duy trì tính liên tục, dù kinh phí năm 2016 vẫn chưa được phân bổ.
Hoạt động sàng lọc sơ sinh vẫn được duy trì tại các cơ sở y tế.
- Trong ảnh: Lấy máu gót chân để sàng lọc cho trẻ sơ sinh tại TTYT huyện Hoài Nhơn.
● Trước những khó khăn khách quan đó, ngành DS-KHHGĐ tỉnh đã có giải pháp cụ thể nào để ứng phó?
- Sử dụng hiệu quả số kinh phí hạn hẹp và tiết kiệm đến mức có thể là giải pháp trước mắt. Từ ngày 1.6, chúng tôi tạm dừng hợp đồng với những người đơn thuần làm cộng tác viên dân số ở cấp thôn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.700 cộng tác viên dân số, trong đó có gần 1.900 người kiêm cả công việc nhân viên y tế thôn bản. Những người chỉ làm công tác dân số sẽ tạm thời dừng hợp đồng, phần việc của họ sẽ được chuyển cho nhân viên y tế thôn bản. Theo quy định chung, chức năng nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản có cả phần công tác DS-KHHGĐ, nên sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn ở cơ sở.
● Thế còn công tác hậu cần phục vụ các hoạt động chuyên môn trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ có bước chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Trước năm 2011, hóa chất, thuốc, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động chuyên môn được giao cho Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh mua sắm và phân bổ cho các địa phương. Giai đoạn 2011-2013, công tác này được giao cho Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện hợp đồng với TTYT cùng cấp thực hiện. Nhận thấy cả 2 cách làm này có nhiều bất cập, nên từ năm 2013, TTYT tuyến huyện nhận trách nhiệm lên kế hoạch, dự trù và mua hóa chất, thuốc, vật tư y tế để triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ trên địa bàn. Sau đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ thanh toán lại cho các Trung tâm khi có kinh phí.
“ Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã phân bổ 980 triệu đồng để các địa phương triển khai công tác DS-KHHGĐ. Trong hoàn cảnh khó khăn chung về kinh phí, nguồn Trung ương chưa biết khi nào mới có, đây chính là sự hỗ trợ rất lớn để ngành DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động chuyên môn ”
Đây là cách làm hiệu quả với nhiều ưu điểm. TTYT các huyện chủ động được nguồn cung để tổ chức kịp thời các chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS trên địa bàn, duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại trạm y tế, sàng lọc trước sinh và sơ sinh... Đặc biệt, với những lô hóa chất, thuốc “cận date”, Trung tâm có thể chủ động hoán đổi trong hoạt động điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí.
Chính cách làm chủ động này đã tạo ra sự khác biệt. Trong khi nhiều tỉnh khác bế tắc, các chỉ tiêu sụt giảm thì Bình Định vẫn duy trì, đảm bảo hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Các chỉ số quan trọng trong quý I.2016 có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, số người sinh con thứ 3 trở lên là 395, chiếm tỉ lệ 14,6%, giảm 0,1%; tỉ số giới tính khi sinh là 111,7 trẻ nam/100 trẻ nữ, giảm 4,7% điểm; có 67.319 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 72,4% so với kế hoạch năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)