Chớ để… “sự đã rồi”!
Vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn (TP. Đà Nẵng) vào tối 4.6 khi đang chở theo 56 người, khiến 3 người chết, trong đó có 2 cháu nhỏ trong một gia đình, đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Chiếc tàu này chưa được cấp phép nhưng vẫn chở khách du lịch và còn chở gấp hai lần tải trọng cho phép. Oái oăm thay khi vụ tai nạn xảy ra ngay trong thời điểm du lịch Đà Nẵng đang xúc tiến quảng bá du lịch biển mùa hè tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng tại hiện trường ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng cần phải rút kinh nghiệm từ Trung ương đến địa phương và công tác giao thông đường thủy nội địa, nhất là đối với loại hình du lịch đường thủy phải thật bảo đảm an toàn”. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, rồi đây, các cơ quan chức năng và các địa phương trong cả nước sẽ lại đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết và cấp bách, cần được thực hiện nghiêm để tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là liệu rằng việc thực hiện có nghiêm túc và hiệu quả hay không? Sở dĩ phải lưu ý như vậy vì vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn không phải là cá biệt, vì trước đó đã có nhiều vụ TNGT đường thủy nội địa vì những lỗi tương tự: vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long năm 2011 khiến 12 du khách nước ngoài tử vong; vụ chìm ca nô ở vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh năm 2013, khiến 9 người tử vong; vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký năm 2011 làm 16 người chết có nguyên nhân từ việc tàu đã hết hạn đăng kiểm và người lái tàu không có giấy phép…
Sau các vụ tai nạn trên, các cơ quan chức năng cũng đều “giật mình” và ngay lập tức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát các hoạt động quản lý. Thế nhưng, dường như việc thanh, kiểm tra chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó với tình thế và trấn an dư luận là chính chứ không phải để quản lý tốt hơn. Vì thế, chỉ sau một thời gian không dài, khi các vụ tai nạn dần rơi vào quên lãng, thì công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng… mờ dần và mọi chuyện thì cũng “vẫn như cũ” (!).
Vụ tai nạn của tàu du lịch Thảo Vân 2 là một bài học đắt giá đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng, đối với tất cả các địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Định. Thời gian gần đây du lịch biển đảo của Bình Định như Kỳ Co, Nhơn Hải, Cù Lao Xanh… có tốc độ tăng trưởng khá “nóng”. Lượng khách du lịch đổ về ngày càng đông, tạo nên sinh khí mới cho ngành du lịch Bình Định là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, do tăng nóng nên cũng dẫn đến không ít bất cập. Trong đó, điều cần đặc biệt quan tâm là an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với các tour, tuyến du lịch biển ra các điểm du lịch bằng cano và thuyền du lịch nhưng việc thực hiện mua bảo hiểm, thực hiện các quy đinh về an toàn trên nhiều phương tiện còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn.
Việc cần thực hiện nghiêm là không để tàu thuyền, cano chưa được cấp phép chở khách du lịch, không để tàu chở quá tải xuất bến, không để người lái tàu không có giấy phép vẫn lái tàu chở khách… Đây là vấn đề chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra những vụ tai nạn theo kiểu “sự đã rồi” tương tự tàu du lịch Thảo Vân 2 vừa qua.
H.Đ