Cần nâng cao tính hiệu quả khi dạy bơi cho trẻ
Để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em, thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức một số mô hình lớp học dạy bơi miễn phí cho trẻ. Việc tổ chức những lớp dạy bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước là một điều thiết thực, nên thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai và phát huy hiệu quả các mô hình còn gặp nhiều khó khăn.
Đuối nước ở Bình Định đang ở mức đáng báo động. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra trên 8 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 15 em học sinh. Đuối nước không còn là vấn đề cá nhân, cũng không thể quy trách nhiệm cho riêng ai mà là vấn đề cả xã hội cần quan tâm, chia sẻ.
Thiếu thốn cơ sở vật chất
Việc dạy bơi, xóa mù bơi ở trẻ và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước là một việc làm thiết thực, cần được quan tâm. Qua đó, các lớp dạy bơi miễn phí dành cho các em đã được tổ chức ở một số địa phương, đặc biệt là những địa phương ở vùng rốn nước trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học bơi còn thiếu thốn, hiệu quả của những lớp dạy bơi thí điểm này chưa cao, sức lan tỏa chưa rộng.
Muốn dạy bơi, trước tiên phải có không gian luyện tập, hồ bơi, dụng cụ bơi lội để các em có điều kiện tập luyện. Tuy nhiên, ở Bình Định chưa có một nơi nào dạy bơi bài bản, ngoại trừ các lớp dạy bơi thuộc Sở VH-TT-DL (hồ bơi ở nơi này đã xuống cấp rất nặng). Ở tỉnh ta, chưa trường học nào có hồ bơi, và do đó cũng chưa trường nào đưa môn bơi lội vào giảng dạy như một môn học trong nhà trường.
Bà Hồ Thị Phi Yến, Chuyên viên phòng Tiểu học Mầm non Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Việc tổ chức dạy bơi cho học sinh ở các trường học là rất khó, bởi hầu hết các trường học đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thời gian qua, Sở GD&ĐT có phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) tỉnh triển khai dạy bơi miễn phí cho học sinh ở một số xã vùng rốn lũ làm thí điểm. Vì điều kiện không cho phép, nên hiệu quả chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, phổ biến là chính”.
Năm 2012, một chương trình dạy bơi miễn phí cho học sinh được thực hiện thí điểm ở Bình Định. Chương trình nằm trong dự án giảm thiểu rủi ro (Dự án GTRR/DRR) do Hội CTĐ Na Uy tài trợ. Hội CTĐ tỉnh phối hợp cùng Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức dạy bơi cho 206 học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại vùng rốn lũ gồm: Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thắng (Tuy Phước); Cát Chánh, Cát Nhơn (Phù Cát) và Ân Mỹ, Hảo Đông (Hoài Ân). Dự án hỗ trợ 5 triệu đồng, hỗ trợ áo phao, phao bơi... còn lại là nguồn vốn đối ứng của mỗi địa phương. Mỗi lớp học dạy thí điểm cho 20 - 25 học sinh. Những lớp học được tổ chức ở hồ bơi nhân tạo, hoặc sông, hồ ở các địa phương dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Những lớp học bơi ban đầu thu hút rất đông phụ huynh, học sinh tham gia, tuy nhiên hết thời gian thí điểm rất ít học sinh tiếp tục tập bơi.
Khó nhân rộng mô hình
Ông Trần Đình Ký, Cán bộ phụ trách Dự án GTRR/DRR Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Chương trình dạy bơi miễn phí cho học sinh ở các vùng rốn lũ là một trong những chương trình nằm trong dự án giảm thiểu rủi ro mà Hội CTĐ Na Uy tài trợ cho tỉnh ta. Sau 1 năm thực hiện thí điểm, năm 2013 chương trình sẽ triển khai thêm 3 xã Phước Thành (Tuy Phước), Cát Thành (Phù Cát), Ân Hảo Đông (Hoài Ân) cùng với 7 xã đã dạy năm 2012 và dự kiến sẽ dạy cho 250 em. Hầu hết, do điều kiện chưa cho phép, việc dạy bơi cho các em được tạm tổ chức trên những khúc sông phù hợp tại địa phương”.
Việc thiếu thốn cơ sở vật chất dẫn đến những lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, chưa lan tỏa sâu rộng. Chưa có một nơi thực sự dạy bơi bài bản, quy mô dành cho trẻ khiến cho nhiều phụ huynh dù rất muốn cho con học bơi cũng không thể. Trẻ sau khi học bơi xong, thiếu nơi tập luyện nên một thời gian cũng quên lãng.
Việc dạy và học bơi, những kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cũng cần được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến phụ huynh, học sinh. Cùng với đó, để các lớp dạy bơi có hiệu quả thiết thực, đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nghĩ đến việc đầu tư, xây dựng một số điểm dạy bơi cho trẻ. Hơn thế nữa, môn bơi lội nên dần có mặt chính thức trong nhà trường phổ thông.
NGUYỄN THU DỊU