Nhà văn hóa thôn trên địa bàn tỉnh: Lượng chưa đi cùng với chất
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL vào tháng 3.2016, toàn tỉnh có 463 trên tổng số 854 thôn xây dựng được nhà văn hóa (NVH) thôn. Từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, một số NVH thôn đã được xây dựng bề thế với kinh phí lên đến cả tỉ đồng. Xây dựng lên đã khó, nhưng tổ chức hoạt động, khai thác sử dụng các NVH này còn khó hơn nhiều.
NVH thôn Hiếu An được đầu tư kinh phí xây dựng lớn nhưng trang thiết bị bên trong còn thiếu.
Hơn 50% số thôn có NVH
Tìm đến xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tôi không khỏi kinh ngạc trước công trình NVH thôn Thái Bình. Đến nay, đây là NVH thôn có kinh phí đầu tư lớn nhất tỉnh. Từ sự vận động của TS. Trần Du Lịch - một người quê gốc ở thôn Thái Bình hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã tài trợ 1,5 tỉ đồng xây dựng NVH thôn này.
Ông Từ Tiên Nguyên, Trưởng thôn Thái Bình, chia sẻ: “Sau khi NVH đi vào hoạt động từ năm 2013, cán bộ và nhân dân trong thôn đã có được nơi rộng rãi, có cơ sở vật chất khang trang để tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa. Nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao công nghệ của xã cũng được đưa về tổ chức ở NVH thôn. Vừa qua, thôn Thái Bình đã được UBND huyện Phù Cát công nhận thôn văn hóa 3 năm liên tục (2013 - 2015)”.
Tại thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, ông Trần Thanh Bình, Trưởng thôn, vui mừng cho biết: “Bà con rất phấn khởi khi xã quan tâm đầu tư xây dựng NVH thôn ở vị trí thuận lợi, với kinh phí xây dựng khoảng 900 triệu đồng. Cách đây hơn nửa tháng, NVH thôn đã khánh thành…”.
NVH thôn thiếu hệ thống âm thanh, kinh phí hoạt động
Ngày 16.7.2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 15 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động (QCTCHĐ) của NVH - khu thể thao thôn, làng trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương của chúng tôi, có thể thấy, việc thực hiện QCTCHĐ mới dừng lại ở việc tổ chức được Ban chủ nhiệm NVH thôn (Chủ nhiệm thường là Trưởng thôn, các thành viên tham gia là đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương). Hầu hết các NVH thôn đều không có kinh phí hoạt động thường xuyên.
“Thỉnh thoảng, có doanh nghiệp tổ chức tập huấn, giới thiệu sản phẩm, họ trả một khoản chi phí khi thuê mượn hội trường… Nhờ đó, chúng tôi có kinh phí phục vụ cho hoạt động của NVH. Nhưng các thành viên trong Ban chủ nhiệm NVH thì chưa có chế độ gì…” - ông Từ Tiên Nguyên cho biết.
Hiện nay, nhiều NVH thôn được xây mới hoành tráng nhưng thiếu các trang thiết bị tối thiểu theo quy định của QCTCHĐ nên hoạt động èo uột. Trưa 8.6, đi ngang qua NVH thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, được xây mới khá lớn nằm sát quốc lộ 1A, chúng tôi ghé lại nhìn vào bên trong thì chỉ mới có lèo tèo vài chiếc ghế, bàn cũ kỹ.
Ngay cả NVH cộng đồng thôn Hiếu An đầu tư kinh phí xây dựng lớn nhưng trang thiết bị vẫn còn thiếu nhiều. Ông Trần Thanh Bình cho biết: “Xã bàn giao cho công trình NVH chỉ có phần vỏ bên ngoài, còn phần ruột bên trong thì chúng tôi vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, những người hảo tâm ủng hộ. Bàn, ghế… thì đã xin được nhưng cái cơ bản nhất là hệ thống âm thanh thì chưa có!”.
Các NVH thôn ở tỉnh ta hiện chủ yếu dùng làm nơi hội họp, còn việc “tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các cuộc giao lưu, liên hoan, đám cưới, sinh nhật, gặp mặt, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hoạt động của các loại hình CLB, nhóm sở thích và các hoạt động vui chơi giải trí khác cho nhân dân…” theo QCTCHĐ rất hạn chế. Nhìn chung, hầu hết các Ban chủ nhiệm NVH thôn không có nghiệp vụ về văn hóa nên rất khó tổ chức các hoạt động sao cho bài bản, khoa học, sử dụng và phát huy hiệu quả NVH thôn.
Có lẽ, các ngành liên quan cần quan tâm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho những người trực tiếp tham gia quản lý và tổ chức các hoạt động ở NVH thôn. Đồng thời, có các hình thức linh hoạt tổ chức các hoạt động dịch vụ theo QCTCHĐ. Có vậy, NVH thôn mới thật sự có ý nghĩa với cộng đồng địa phương.
HOÀI THU