Đào tạo và bố trí cán bộ ở An Lão:
Còn nhiều bất cập
Là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, muốn phát triển KT-XH, huyện An Lão cần có đủ nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng. Thế nhưng thực tế cho thấy việc đào tạo và bố trí cán bộ ở đây còn nhiều bất cập.
Huyện An Lão có 10 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã, thị trấn miền núi và 7 xã vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến sự phát triển KT-XH ở các địa phương luôn bị trì trệ là do nguồn nhân lực ở cơ sở không đủ tầm để điều hành công việc.
Vừa thiếu, vừa yếu
“Về lực lượng cán bộ xã, chúng tôi đang rất bí người. Nhiều xã, cán bộ điều hành công việc rất yếu. Trong những năm qua, để khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã mời Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Định về tận địa phương mở lớp đào tạo các ngành kinh tế, nông nghiệp và lâm nghiệp cho 80 cán bộ chủ chốt là bí thư đảng ủy xã, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã và các đoàn thể; ngoài ra còn mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 80 cán bộ chủ chốt cấp xã. Tuy nhiên, như vậy cũng chỉ mới khắc phục được cái yếu, chứ chưa thể lấp được lỗ hổng về nguồn nhân lực cấp xã, đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển mới”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nói.
“Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh phân cấp cho UBND huyện được xét tuyển chính thức học sinh vào các trường, theo học các ngành mà địa phương có nhu cầu theo chỉ tiêu được phân bố. Có như vậy mới tránh được tình trạng cần một đằng, đào tạo một nẻo”.
Ông NGUYỄN THANH TÙNG, Chủ tịch UBND huyện An Lão
Không chỉ vậy, tình hình cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Theo lãnh đạo huyện An Lão, hầu hết các xã đều đã khép kín lực lượng cán bộ bán chuyên trách, mà nhiều người trong số này là người nhà của cán bộ chủ chốt các xã được đưa vào làm, dù có người có trình độ chuyên môn rất yếu. Trong khi đó, những học sinh được cử đi học theo chế độ cử tuyển, tốt nghiệp ĐH xong về địa phương thì thất nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng thừa nhận: “Hiện có đến 50% cán bộ bán chuyên trách tại cơ sở là người nhà của cán bộ tại xã đó. Hiện chúng tôi đang cho Phòng Nội vụ kiểm tra cụ thể. Trong thời gian tới, huyện sẽ chấn chỉnh tình trạng này bằng cách thay những cán bộ chuyên trách yếu bằng lực lượng sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp”.
Cần một đằng, đào tạo một nẻo
Đây cũng là một vấn đề đáng lưu tâm về nhân lực ở An Lão. Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT huyện làm việc với các xã để nắm bắt về định hướng KT-XH của từng địa phương, từ đó đề ra nhu cầu đào tạo cán bộ để tham mưu cho UBND huyện đăng ký chỉ tiêu cử tuyển với Sở GD&ĐT, sau đó tuyển chọn học sinh, cử theo học tại các trường ĐH.
“Một số ngành mà huyện đang thiếu, cần đào tạo thì hội đồng xét tuyển chính thức lại loại ra, khiến huyện không thể bố trí việc làm cho một số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ĐH bởi... trái ngành”
Tuy nhiên, thẩm quyền của UBND huyện là chỉ được xét sơ tuyển, việc xét tuyển chính thức thuộc quyền của Sở GD&ĐT và UBND tỉnh. Điều này dẫn đến tình trạng, một số ngành mà huyện đang thiếu, cần đào tạo thì hội đồng xét tuyển chính thức lại loại ra, khiến huyện không thể bố trí việc làm cho một số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ĐH bởi... trái ngành. Như hiện nay, An Lão đang thiếu trầm trọng cán bộ nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế, luật và nhất là ngành y. An Lão hiện mới có 6/10 xã có bác sĩ, 4 xã vùng cao là An Toàn, An Nghĩa, An Vinh và An Dũng chưa có. Thậm chí tại Trung tâm Y tế huyện cũng đang thiếu bác sĩ.
Trong 3 năm gần đây, huyện An Lão cử tuyển 93 học sinh học ĐH, nhưng chỉ được tỉnh chấp thuận 49 học sinh. Trong đó ngành nông nghiệp, kinh tế, luật, lâm nghiệp, y... rất cần thiết thì lượng sinh viên được đào tạo rất hạn chế. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết thêm: “Việc tiếp nhận, phân công công tác cho sinh viên cử tuyển rất được UBND huyện quan tâm. Chúng tôi chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn kiểm tra, đối chiếu nhu cầu của các cơ quan, ban ngành và UBND các xã, sau đó bố trí công tác phù hợp từng lĩnh vực theo các hình thức hợp đồng trong biên chế, hợp đồng dự nguồn hoặc tuyển dụng chính thức. Trong 10 năm qua đã có 101 sinh viên ra trường. Tuy nhiên, do có nhiều người học không đúng ngành địa phương đang cần nên không thể bố trí công tác, hiện còn 39 người tốt nghiệp xong nhưng vẫn chưa bố trí được việc làm”.
VŨ ĐÌNH THUNG
THú thật, hiện nay số lượng sinh viên ở An Lão đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc là rất lớn. Số lượng sinh viên đang theo học tại các trường đại học lớn trong nước cũng không nhỏ và đặc biệt là chất lượng sinh viên ở An lão khi tốt nghiệp ra trường cũng không hề thua kém các nơi khác. Thế nhưng, " cán bộ " sau lại là con, em , cháu của "cán bộ trước" và hầu hết họ được cử đi học ở các trường cao đẳng và trung cấp. cho nên, An Lão ngày nay vẫn là An Lão của ngày xưa!
Thực tế hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học , cao đẳng, THCN ra trường chưa có việc làm ở tại các địa phương tương đối cao. Trong đó các huyện miền Núi chiếm một tỷ lệ không Nhỏ. Tuy nhiên, mong muốn có một công việc ở tại địa phương để " Cống hiến" thì không dễ dàng chút nào. Một mặt do cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực trong Tỉnh chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Mặt khác do " bản chất Cổ hũ " của tập quán xa xưa để lại " Con Vua thì lại làm Vua - Con Sãi ở chùa Thì quét lá đa". Do vậy, những người được đào tạo có trình độ chính quy, bài bản thì lại Không được đem sức trẻ của Mình để " Cống Hiến" vì ....... "Trái Ngành"! Người đúng ngành thì cử đi đào tạo Tại chức, chuyên tu, học hành qua loa , lấy lệ. Có một nền tảng cơ sở lý luận " Trống rỗng"!. Do vậy, Bất cập vẫn chỉ còn là Bất cập!.