Khi nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch
Bằng việc xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên phục vụ du lịch, hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh đã góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương đến du khách, đồng thời mở rộng hoạt động biểu diễn, sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn để làm mới sản phẩm của mình, nhằm tạo được ấn tượng sâu sắc đến đối tượng phục vụ.
Chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn tại khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn.
Nỗ lực quảng bá nghệ thuật truyền thống
Nhiều năm qua, hầu hết các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch trong tỉnh do Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định xây dựng, biểu diễn. Bằng thế mạnh riêng về loại hình nghệ thuật, hai đoàn đã xây dựng những chương trình ca múa nhạc dân tộc đặc sắc, góp phần hiệu quả vào việc giới thiệu văn hóa truyền thống cho du khách.
“Đoàn bắt đầu biểu diễn phục vụ du lịch khoảng 10 năm nay. Xuất phát từ thực tế không thể diễn cả một vở ca kịch bài chòi có thời lượng quá dài, Đoàn đã xây dựng một chương trình ca múa nhạc dân tộc với thời lượng khoảng 1 tiếng rưỡi để biểu diễn phục vụ khi có hợp đồng. Xác định nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật bài chòi, chiếm 50% thời lượng chương trình của chúng tôi là dân ca bài chòi, còn lại là biểu diễn nhạc cụ dân tộc và múa dân gian”, NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi, cho biết.
Những tiết mục đặc sắc nhất của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định có thể kể đến như: hát hò đối đáp bài chòi Ai về Bình Định, đơn ca bài chòi Bình Định quê tôi; múa Chăm cung đình và múa Chăm dân gian; độc tấu đàn nhị Kể chuyện ngày mùa, độc tấu sáo Trên đường hành quân… Trong năm 2012, nguồn thu từ biểu diễn phục vụ du lịch của Đoàn chiếm hơn nửa tổng doanh thu biểu diễn. Ý thức về yêu cầu phải đổi mới chương trình, trong năm 2013, Đoàn có kế hoạch xây dựng thêm một số tiết mục để bổ sung.
Chương trình biểu diễn phục vụ du lịch của Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng gồm vài chục tiết mục, với những tiết mục thường được chọn biểu diễn như: Nhạc võ Tây Sơn; độc tấu đàn bầu, tam tấu trống - kèn - nhị, hòa tấu dàn nhạc dân tộc; các trích đoạn tuồng: Ông già đi hội, Nguyệt Cô hóa cáo, Trưng nữ vương đề cờ, Mạnh Lương bắt ngựa, Hoàng tử gặp công chúa; các điệu múa tuồng, múa Chăm… “Từ cuối năm 2011 đến nay, Nhà hát và khách sạn Hải Âu duy trì một hợp đồng biểu diễn dài hạn, tuy lượng khán giả và mức thù lao còn khiêm tốn, song cũng tạo cơ hội cho nghệ sĩ mở rộng hoạt động biểu diễn, tăng thu nhập”, NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, khách du lịch đến địa phương nào cũng muốn thưởng thức văn hóa đặc trưng của địa phương ấy. Do vậy, các chương trình nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc mà chủ đạo là nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi nhận được phản hồi tốt từ người xem.
Bình Định vẫn chưa xây dựng được địa chỉ biểu diễn nghệ thuật thường xuyên phục vụ khách du lịch.
Còn nhiều cái khó
Theo dõi các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch trong tỉnh, không khó để nhận ra “thực đơn” chương trình ít có sự đổi mới. Trên nền văn hóa nghệ thuật truyền thống: tuồng, dân ca - bài chòi, múa Chăm… kết cấu một chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch ở ta vẫn mang tính tổng hợp trên cơ sở sự xâu chuỗi các tiết mục đơn lẻ. Gần 10 năm hoạt động, hành trang diễn phục vụ du lịch của mỗi đoàn là vài chục tiết mục, tùy đối tượng và yêu cầu của khách mà sắp xếp thành chương trình. Ngoài tuồng và bài chòi là thế mạnh riêng, chương trình của Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi còn “đụng hàng” nhau ở nhóm tiết mục múa Chăm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
“Tôi cho rằng các đơn vị biểu diễn có thể giới thiệu văn hóa truyền thống của địa phương bằng nhiều cách sáng tạo, hiệu quả hơn. Chẳng hạn với nghệ thuật tuồng, thay vì chỉ biểu diễn các trích đoạn, có thể “xé lẻ” khai thác ở nhiều nét độc đáo. Xây dựng một chương trình chủ đề về tuồng, trong đó giới thiệu bộ sưu tập mặt nạ tuồng, trang phục, vũ đạo tuồng… do chính các nghệ sĩ tuồng thể hiện, đặt trong một sân khấu được thiết kế đẹp, gần với khán giả, tạo nên không gian văn hóa tuồng khác so với biểu diễn vở, trích đoạn quen thuộc… Thử nghiệm với những chương trình mang tính chủ đề, chuyên sâu, cùng sự thể hiện mới mẻ sẽ tạo ấn tượng hơn”.
THÁI THANH QUANG, người Bình Định, làm việc trong ngành du lịch ở TP Hồ Chí Minh
Nguyên nhân khách quan là Bình Định chưa thu hút khách du lịch thường xuyên, đông đảo, nên sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch chưa có “thị trường” ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sức sáng tạo, động lực đổi mới của những người sản xuất chương trình. Vòng luẩn quẩn mang tính quy luật này làm cho nghệ thuật phục vụ du lịch phát triển mang tính nhỏ lẻ, theo thời vụ, chưa bền vững và tạo được thương hiệu.
Bên cạnh đó, những khó khăn về cơ sở biểu diễn, hạn chế trong khâu liên kết, tìm kiếm nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách vốn bị chi phối bởi hoạt động biểu diễn thường xuyên… cũng làm cho nghệ thuật phục vụ du lịch chưa tạo được sức bật. Hơn hết, yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch cũng là vấn đề cần cân nhắc, để hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống và đáp ứng yêu cầu của khán giả là khách du lịch.
SAO LY