Nhạc số và chiếc đĩa CD
Như một quy luật tất yếu, từ nhiều năm nay, xu hướng nghe nhạc số bằng file ghi âm với định dạng số - mp3, wma… thay vì sử dụng đĩa CD, DVD… ngày càng phổ biến. Sự phổ biến này khiến thị trường đĩa nhạc lâm vào cảnh “chợ chiều” ảm đạm. Vốn rất tha thiết với mảng sản phẩm này nhưng trước tình trạng ế ẩm, 2 năm trước, nhà sách Fahasa Quy Nhơn đã ngừng bán đĩa nhạc. Tại Quy Nhơn, cố gắng duy trì kinh doanh đĩa nhạc chỉ còn hai cửa hàng.
Wifi miễn phí nhan nhản khắp nơi. Giá cước 3G ngày càng rẻ, có nhiều khung giá phù hợp với nhu cầu của nhiều nhóm người dùng. Điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng phổ biến và chiếm tỉ lệ áp đảo so với điện thoại cơ bản. Ai thích xem, nghe nhạc, có thể dễ dàng online và có hàng trăm ứng dụng để thỏa mãn nhu cầu. Không cần phải tìm mua như trước đây, gần như tất cả là miễn phí. Thậm chí không cần tải về, ứng dụng nào cũng cho phép bạn tạo hàng loạt thư mục riêng để truy cập vào là có thể nghe ngay. Nếu thích hầu như bạn có thể tải về, lưu trong những thiết bị lưu trữ nhỏ gọn, thoải mái thưởng thức bất cứ lúc nào.
Khi đĩa CD ra đời, nó đã khai tử các thiết bị đời trước đó là đĩa than, đĩa nhạc, băng cát-sét… Trong bối cảnh hiện nay, những chiếc đĩa CD bị thất sủng là dễ hiểu. Nhạc số lên ngôi là xu thế phù hợp của thời đại. Công nghệ đổi mới không ngừng, cái mới ra đời thay thế cho cái cũ hết “vai trò lịch sử”.
Song, một cách lặng lẽ và bền bỉ, những chiếc đĩa CD vẫn có chỗ đứng khiêm nhường mà vững chãi của nó. Bởi vẫn có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng nặng lòng với băng, đĩa gốc. Người bán hàng ở một cửa hàng bán đĩa nhạc cho biết, tuy khách hàng còn rất ít và hẹp nhưng cửa hàng vẫn túc tắc sống được. Bởi thực tế, vẫn còn người chưa thích ứng với công nghệ mới, hoặc hoài cổ, yêu thích cách nghe nhạc truyền thống qua đĩa, hoặc có thể họ theo đuổi sưu tầm đĩa CD.
Sở hữu và cầm trên tay một đĩa nhạc, bấm máy để khay đĩa nhô ra, đặt đĩa vào khay và bấm máy cho thiết bị hoạt động là những động tác có tính vật chất, nó tương tác và khiến người thưởng thức cảm nhận một cách chủ động vị trí của mình. Đó là chưa kể với những bộ đĩa đẹp, bắt mắt, đó còn là một tác phẩm nghệ thuật để săm soi, ngắm nghía. Là một vật kỷ niệm vượt lên trên giá trị chỉ là phương tiện để nghe.
Đó là những lý do quan trọng nhất để thị trường đĩa nhạc mặc dầu bị thu hẹp rất nhanh, rất nhiều nhưng không bị “xóa sổ” hoàn toàn. Hơn thế, đó còn là cơ sở cho niềm tin: khi đã qua giai đoạn thoái trào, thú thưởng thức âm nhạc bằng những ấn phẩm ghi âm như băng, đĩa sẽ hồi sinh, được người nghe nhạc đón nhận, lưu giữ bởi những giá trị, ưu điểm, sức hấp dẫn riêng và “thật” so với hình thức nghe nhạc online vốn được cho là nghe “ảo”.
Tương tự như sách điện tử ra đời, nhưng bản sách in truyền thống chưa bao giờ bị lu mờ hay bị cho là lỗi thời. Hiện nay trong nước, mạnh nhất là ở Hà Nội, thú sưu tầm và nghe nhạc bằng đĩa than - một trong những hình thức ghi lại âm thanh sớm nhất của con người - đang trở lại mạnh mẽ. Sau đĩa than, băng cát-sét cũng “tái xuất” trên thị trường. Rất có thể, đó là những tín hiệu rõ ràng nhất cho sự quay trở lại của thị trường băng, đĩa nhạc trong thời gian không xa…
KHẢI THƯ