Chăm sóc người bệnh tâm thần trong mùa nắng nóng
Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là với những người mắc bệnh tâm thần. Nhiều biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn hiện quản lý, nuôi dưỡng 501 đối tượng; trong đó, có 443 người bị tâm thần phân liệt, 30 người bị động kinh. Số đối tượng sa sút giai đoạn cuối lên đến 90 người, gây áp lực không nhỏ cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc.
Thay đổi giờ sinh hoạt, chăm lo ăn uống
Theo Trưởng phòng Y tế, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn Huỳnh Thị Việt, thời tiết nắng nóng khiến các đối tượng dễ mắc các bệnh cảm, sốt, lên cơn kích động và có tư tưởng bỏ trốn. Hầu hết đối tượng mắc bệnh mãn tính, đã dùng thuốc thời gian dài nên mức độ kháng thuốc cao, dễ tái phát. Ngoài bệnh tâm thần, nhiều đối tượng còn mắc các bệnh khác như lao phổi, hắc lào, tim mạch, tiểu đường, huyết áp…
Giờ sinh hoạt ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn được điều chỉnh để phù hợp với thời tiết nắng nóng.
“Trung tâm đang nuôi dưỡng 34 người tâm thần trên 60 tuổi. Các cụ tuổi cao sức yếu, ốm đau thường xuyên, chăm nom rất vất vả. Bên cạnh đó, lực lượng y tế mỏng nên công tác chăm sóc, điều trị rất khó khăn” - điều dưỡng Việt chia sẻ.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã triển khai nhiều biện pháp góp phần đảm bảo sức khỏe cho đối tượng. Điều kiện môi trường đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, nhất là với những bệnh nhân tâm thần. Vì thế, thời gian qua, Trung tâm chú trọng xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tạo không khí trong lành, thoáng mát.
Bên cạnh sự quan tâm của cán bộ, nhân viên Trung tâm, những người tâm thần hiện có sức khỏe ổn định cũng là lực lượng quan trọng trong việc xây dựng cảnh quan nơi đây. Đầu buổi sáng, họ lại tập trung cắt tỉa cây cảnh, nhổ cỏ, chăm rau, dọn rác… “Những ngày nắng như thế này, phòng Nghiệp vụ bố trí cho họ lao động nhẹ nhàng, làm sớm nghỉ sớm; tầm 8 giờ 30 là phải kết thúc để tránh nắng nóng. Giờ thể thao buổi chiều cũng được cân đối lại, muộn hơn một chút” - ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm, cho biết.
Ngoài giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống cũng được quan tâm. Bữa cơm ngày hè nhất định phải có canh (canh chua, canh rau tập tàng…). Trung tâm còn tự làm dầu dừa, đậu khuôn, chả cá, giá đỗ… để có những bữa ăn ngon, tránh ngộ độc thực phẩm.
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng. Bệnh viện hiện có 128 bệnh nhân nội trú, 92 trong số đó mắc bệnh tâm thần. Tuy không ép buộc nhưng 100% bệnh nhân tâm thần chọn ăn cơm ở nhà bếp của Bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên nhà bếp, cho hay: “Chúng tôi mới được trang bị một tủ đông để bảo quản thực phẩm, quan trọng nhất là để thực phẩm không bị ôi thiu trong những ngày nắng nóng. Thực đơn hàng ngày cũng được điều chỉnh, chú trọng các thức ăn mát, giải nhiệt”.
Cẩn trọng với người bệnh ở cộng đồng
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, những ngày gần đây, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 160-170 lượt bệnh nhân đến khám. Lượng bệnh nhân có tăng dần so với cùng kỳ các năm trước nhưng không đột biến. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành Y tế hết mối lo. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.100 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 2.200 bệnh nhân động kinh ở cộng đồng; hầu hết đều sinh hoạt cùng gia đình, tham gia những công việc nhẹ. Quan trọng nhất với các đối tượng này là phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ uống thuốc. Cùng với đó, phải can thiệp kịp thời khi phát hiện những triệu chứng bất thường như mất ngủ.
Chúng tôi mới được trang bị một tủ đông để bảo quản thực phẩm, quan trọng nhất là để thực phẩm không bị ôi thiu trong những ngày nắng nóng. Thực đơn hàng ngày cũng được điều chỉnh, chú trọng các thức ăn mát, giải nhiệt
Chị NGUYỄN THỊ LAN, nhân viên nhà bếp, Bệnh viện Tâm thần tỉnh
“Vào những ngày nắng nóng như hiện nay, càng phải chú trọng cho người bệnh uống đủ nước, ăn đảm bảo dinh dưỡng, không ra ngoài lúc nắng nóng. Đặc biệt, hạn chế sử dụng các chất kích thích, vì chỉ cần lai rai vài chai bia giải khát cũng là nguyên nhân khiến bệnh tái phát” - bác sĩ Định nhấn mạnh.
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng của các đối tượng cũng được quản lý chặt. Tuy nhiên, với những người được gia đình đón về trong các dịp cúng giỗ, cưới hỏi, rất khó để kiểm soát họ. Ông Đoàn Thế Tuấn tâm sự: “Trước khi cho người nhà đón về, chúng tôi luôn nhắc nhở phải luôn để mắt, quan tâm đến đối tượng. Làm gì thì làm, chứ thuốc lá, rượu bia phải kiên quyết từ chối. Ngoài ra, cũng cần tránh những lời lẽ, cử chỉ kích động có thể khiến đối tượng tái phát, bệnh nặng hơn. Những lưu ý này càng cần được tuân thủ nghiêm ngặt trong thời điểm nắng nóng”.
NGUYỄN VĂN TRANG