Âu thuyền Cảng cá Quy Nhơn: Chật chội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Âu thuyền Cảng cá Quy Nhơn là nơi trung chuyển, mua bán hải sản và tránh trú bão của trên 1.000 tàu cá trong tỉnh và cả khu vực miền Trung. Ba năm trở lại đây, âu thuyền này luôn trong tình trạng quá tải, luồng lạch ra vào nhiều nơi bị cát bồi lấp, khiến ngư dân lo lắng.
Âu thuyền neo đậu Cảng cá Quy Nhơn đã chật chội, không đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu, nhất là vào mùa mưa bão.
Bị thu hẹp dần
Năm 2007, Cảng cá Quy Nhơn được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, trong đó, có hạng mục đầu tư, mở rộng âu thuyền được đưa vào sử dụng đầu năm 2012. Ba năm trở lại đây, âu thuyền đang dần trở nên chật chội.
Theo Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn (BQL), tàu thuyền ra vào tại đây hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào ngày 16 âm lịch hằng tháng, vì thời điểm này có từ 100 - 150 tàu cá đánh bắt xa bờ ở tỉnh bạn cập bến, chưa kể hơn 500 ghe, tàu lớn nhỏ hoạt động ở vùng lộng và ngư trường khơi xa của ngư dân trong tỉnh cũng về neo đậu. Mùa mưa bão, lượng tàu thuyền đổ về đây tăng 5 - 7 lần. Trong khi đó, sức chứa khu neo đậu từ 1.200 tàu ban đầu nay giảm chỉ còn 700 tàu. Do đó, việc di chuyển và neo đậu của tàu thuyền luôn tiềm ẩn nguy cơ va đập, dễ dẫn đến hư hỏng tài sản của ngư dân.
Theo ông Nguyễn Văn Mạo (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), chủ tàu BĐ 910.38 - TS, công suất 400 CV, hành nghề vây rút chì, nguyên nhân chính làm âu thuyền Cảng cá Quy Nhơn đang bị thu hẹp dần là do Cảng Quy Nhơn đổ đất đá, lấn dần qua âu thuyền. Việc này cũng làm cho luồng lạch ở phía Đông khu neo đậu, nơi giáp ranh với Cảng Quy Nhơn, đang xuất hiện những doi cát lớn. Mặt khác, việc Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn xây dựng cầu cảng cũng góp phần làm teo tóp dần diện tích mặt nước trong khu vực âu thuyền và cửa ra vào Cảng cá Quy Nhơn.
Ông Lê Văn Chiến (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 903.51 - TS, chia sẻ: “Tôi đi nhiều nơi và thấy âu thuyền neo đậu Cảng cá Quy Nhơn là an toàn nhất, nhưng 3 năm qua, tàu cá ra vào đây đang bị thu hẹp, nơi neo đậu khá chật. Nếu tỉnh Bình Định không có giải pháp khắc phục, tôi nghĩ thời gian tới tàu thuyền các tỉnh sẽ dè dặt hơn khi quyết định cập bến tại đây”.
Diện tích mặt nước khu neo đậu Cảng cá Quy Nhơn dần bị thu hẹp do Cảng Quy Nhơn đổ đất, đá lấn dần.
Lực bất tòng tâm
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL, việc âu thuyền cảng cá quá tải đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như sự tranh giành cập cầu cảng, giành nhau chỗ neo đậu… Công tác phục vụ của lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều trở ngại, nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an toàn cho tàu cá. Ngoài ra, với tình trạng âu thuyền hiện nay thì trong tương lai sẽ khó đáp ứng nổi tàu công suất lớn đang được khuyến khích phát triển. Trong khi đó, các biện pháp giải quyết gần như là lực bất tòng tâm!
Ông Thiện nói: “Việc giải quyết triệt để tình trạng âu thuyền đang bị thu hẹp vượt quá khả năng của BQL. Ngay cả giải pháp nạo vét, khai thông luồng lạch cũng ngoài tầm chúng tôi vì kinh phí quá lớn. Hiện tại, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn và tổ chức sắp xếp tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Theo tôi, về lâu dài, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để nạo vét âu thuyền, luồng lạch đảm bảo tàu cá ra vào an toàn”.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Thời gian tới, Sở phối hợp với BQL Cảng cá Quy Nhơn thực hiện việc kiểm tra, rà soát để có hướng xử lý, nạo vét ở các vị trí có luồng lạch bị cát bồi lấp. Trước mắt, ngành chỉ đạo BQL tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn tàu cá cho ngư dân, giữ gìn an ninh trật tự khu vực cảng cá”.
Bài và ảnh: TRỌNG LỢI