Xây dựng đô thị văn minh
Bước vào năm 2016, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây là cuộc vận động lớn nhằm huy động mọi lực lượng xây dựng đời sống văn minh ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Thực tế cho thấy trong khi xây dựng nông thôn mới diễn ra khá mạnh mẽ, tạo thành phong trào rộng lớn thì việc xây dựng đô thị văn minh có vẻ trầm lắng hơn, thiếu sức sống và sự sôi động của một cuộc vận động lớn. Đây là vấn đề cần quan tâm vì hiện nay tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, việc xây dựng và phát triển các khu dân cư đô thị ngày càng mở rộng thì cùng với công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cần tiến hành đồng thời việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay văn minh đô thị vẫn còn không ít hạn chế, bất cập về nhiều mặt: Việc đảm bảo trật tự, nhất là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm. Vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, bức xúc. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; quảng cáo, rao vặt không đúng quy định còn diễn ra ở nhiều nơi; vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều, một số trường hợp nghiêm trọng. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự và môi trường đô thị của một bộ phận tổ chức và người dân chưa cao; văn hóa trong ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước còn một số yếu kém…
Vì vậy, việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong các đô thị trên địa bàn tỉnh ta là hết sức cần thiết.
Trong đó, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân gắn với triển khai tốt các phong trào như: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người tốt, việc tốt”; duy trì nền nếp công tác vệ sinh tại các tuyến đường, tuyến phố; xây dựng các mô hình tuyến phố tự quản “Xanh - Sạch - Đẹp”; phát huy vai trò giám sát cộng đồng, đối với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương; phổ biến nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thiết lập trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng; tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh đô thị gắn với việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với đời sống hiện đại… Tất cả phải hướng đến mục tiêu nếp sống văn minh đô thị thực sự “tỏa rộng, thấm sâu” trong cộng đồng dân cư đô thị.
Để cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh diễn ra sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực thì trước hết cần phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân cùng chung sức xây dựng đô thị văn minh tại địa phương mình. Đồng thời, cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị; là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người, mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển, đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
HẢI ÐĂNG