Đất nặng hơn tình
Vẫn biết “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng vì nhiều lẽ, người trong cùng một gia đình bỗng chốc quay lưng, dắt nhau ra tòa. Dẫu không còn lạ, nhưng vẫn thấy bất nhẫn khi phải nghe thêm một câu chuyện buồn nữa về nỗi đất lên tình xuống.
Ảnh minh họa
“Ngày xưa heo hút, đất đai không mấy giá trị nên chả ai quan tâm. Giờ đường sá đi lại thuận tiện, nhà trong ruộng nay được ra mặt tiền, đất tăng giá, mẹ con, anh em trong nhà tranh giành, hục hặc, rồi kéo nhau ra tòa..” - ấy là hàng xóm của họ kháo nhau, như để nhắc nhau và nhắc mình đừng như vậy. Chuyện xảy ra ở một xã thuộc huyện Hoài Ân.
Gia đình ông M. có 4 người con, trong đó ông H. và ông T. là anh em cùng mẹ khác cha; trên họ có 1 chị gái, dưới có 1 em gái. Năm 2001, ông H. và ông T. được gia đình thống nhất chia cho mảnh đất rộng 300m2 hình chữ L mà cha mẹ họ đang đứng tên. Cụ thể, ông H. là anh, được chia phần đất phía trước với chiều ngang 5m, chiều dài tính từ mặt tiền ĐT 629 chạy thẳng ra phía sau giáp ruộng; phần còn lại chia cho ông T. Sau đó, ông T. xây nhà trên phần đất mình được chia, còn ông H. thì vẫn để đất đó chưa sử dụng tới. Năm 2007, ông T. mượn phần đất trống mà ông H. được cha mẹ chia cho để sử dụng làm nơi may gia công.
Khi đó, ông H. cũng có ý định làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng biệt cho hai anh em, nhưng phần vì lúc này ông T. cần vốn làm ăn, đã mượn giấy tờ nhà mang tên cha mẹ đi thế chấp ngân hàng vay tiền, phần nghĩ anh em với nhau, đất đai gia đình đã chia rõ ràng rồi, việc ấy để tính sau cũng được.
Giấy tờ đất mang tên cha mẹ sau khi thế chấp ngân hàng rồi lấy về, ông T. giao lại cho ông H. cất giữ. Đến đầu năm 2011, ông T. tiếp tục đến mượn lại giấy tờ nhà để thế chấp vay tiền ngân hàng và ông H. cũng đồng ý.
Mọi thứ vẫn bình thường cho đến khoảng đầu năm 2015 (thời điểm này cha họ vừa mất, còn mẹ đã mất vào năm 2004), ông H. nghe tin ông T. đang rao bán phần đất mà mình được cha mẹ chia cho. Lúc này, gia đình mới phát hiện ra, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không còn đứng tên cha mẹ của họ nữa mà đã chuyển sang tên ông T.
“Ðiều 676, Bộ luật Dân sự 2005, quy định: Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết... Như vậy, nếu có việc người cha (sau khi người mẹ chết) tự ý cho tài sản thuộc sở hữu của hai vợ chồng mình cho một người con mà không có sự chứng kiến của những người con khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất là chưa đúng. Hơn nữa, tài sản này trước đó đã được tất cả những người trong gia đình thống nhất chia cho hai người con trai” - Trợ giúp viên pháp lý NGUYỄN NGỌC QUỐC LINH, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
Bà L., em gái của ông H. và ông T., bức xúc: “Khi ba mẹ tôi còn sống thì đã chia phần đất cho hai anh. Hơn nữa, phần đất này vốn do anh H. và chị gái chúng tôi mua và để cho ba mẹ ở, đứng tên; sau gia đình cũng thống nhất anh H. lấy một phần để làm nơi thờ phụng, còn lại cho anh T. vì ba mẹ già ở với anh T. Vì vậy, việc anh T. tự ý sang tên cả phần đất cho riêng anh H. là không hợp lý”.
Ông H. lẫn chị và em gái của ông đều nói, họ không biết là có hay không chuyện cha mình làm giấy tờ cho riêng ông T. toàn bộ mảnh đất đó, cũng như việc ông T. đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang mỗi tên ông.
Nhà có 4 anh em, nhưng giờ, ngày giỗ cha, giỗ mẹ, ông T. một mâm cúng, ông H. và 2 người con gái một mâm cúng. Ông H. ngậm ngùi: “Nguyện vọng của chúng tôi là lấy lại phần đất thuộc quyền sở hữu của mình để có nơi thờ tự cha mẹ. Cũng lớn tuổi hết rồi, lại là anh em, dù sao thì “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ai lại dắt díu nhau ra tòa. Nhưng sự thể này, chúng tôi đành phải nhờ pháp luật can thiệp”.
Câu chuyện của nhà ông H. không còn là chuyện hiếm thời buổi này. Vậy nên, lời khuyên của những người làm luật, có kinh nghiệm giải quyết án dân sự liên quan đến tranh chấp tài sản là, nên chăng “mất lòng trước, được lòng sau”: Dù là người trong một nhà thì khi cho, tặng những tài sản có giá trị cũng phải rạch ròi thông qua giấy tờ có giá trị pháp lý, tránh hệ lụy đáng tiếc về sau.
KIỀU ANH