Cùng vun xới năng khiếu mỹ thuật
Chiều 30.6, 200 “họa sĩ nhí” được tuyển chọn từ 1.300 thí sinh gởi tranh tham dự Hội thi vẽ tranh thiếu nhi toàn tỉnh lần III - do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh phối hợp Sở GD&ÐT tổ chức - đã bước vào thi chung kết. Qua từng năm, Hội thi cho thấy sự hưởng ứng tích cực và phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị tổ chức, nhà trường và gia đình, cùng vun xới cho năng khiếu mỹ thuật.
Như 2 lần tổ chức trước đây, Hội thi được chia thành 2 khối: Tiểu học và THCS. Ở vòng sơ khảo, với hai chủ đề an toàn giao thông và biển đảo Tổ quốc em, Ban tổ chức Hội thi đã nhận được 1.700 tác phẩm. Thông qua chủ đề Hội thi, Ban tổ chức mong muốn góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, lòng yêu nước, giáo dục nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Văn Bình tuyên dương hai em đoạt giải Nhì khối THCS.
Ấn tượng tranh khối Tiểu học
Với hai chủ đề khá quen thuộc và mang tính định hướng này, nổi lên nhiều bức tranh đẹp, thông điệp sáng rõ, có giá trị tuyên truyền, cổ động cao. Tiêu biểu như các bức “Biển đảo Tổ quốc ta” của em Hồ Anh Quốc (lớp 9A3, Trường THCS Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn), “Vui cùng các chú hải quân” của em Nguyễn Thị Li Na (lớp 9A2, Trường THCS Mỹ Đức, Phù Mỹ), “Dũng cảm của hải quân Việt Nam” của em Nguyễn Kiều Uyên (lớp 7A2, Trường THCS thị trấn Bình Dương, Phù Mỹ), “Em ra thăm đảo Trường Sa” của em Phạm Thị Vinh (lớp 5A1, Trường Tiểu học Hoài Châu, Hoài Nhơn), “Giữ biển đảo quê hương” của em Phạm Đình Quý (lớp 7A1, Trường THCS Tây Giang, Tây Sơn)…
Vào thi chung kết, trong vòng 150 phút, thí sinh khối Tiểu học vẽ theo chủ đề “Ước mơ của em” và khối THCS vẽ theo chủ đề “Mùa hè của em”. Đây là hai chủ đề “mở”, tạo điều kiện cho các em phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, phù hợp với độ tuổi và thế giới quan.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, điều khá bất ngờ là không những áp đảo về số lượng tranh và thí sinh tham gia mà chất lượng tranh của khối Tiểu học cũng vượt trội. Có 142/200 thí sinh dự thi chung kết thuộc khối Tiểu học. “Ý tưởng, bố cục, màu sắc của tranh khối Tiểu học nhìn chung cao hơn, các em vẽ “chắc tay” lại bay bổng hơn. 2 chủ đề thi chung kết rất đa dạng, khuyến khích các em thỏa sức sáng tạo, tiếc là sự thể hiện còn khá lúng túng. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những bức tranh đẹp và có chiều sâu nội dung”, họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Trưởng Ban giám khảo Hội thi, nhận xét.
Không ngại đường xa
Hội thi cho thấy sức lan tỏa cũng như nỗ lực đáng ghi nhận của các trường ở các huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để học sinh được tham gia một sân chơi bổ ích. Huyện Hoài Nhơn dẫn đầu số lượng thí sinh tham gia thi chung kết, với 56 em khối Tiểu học và 14 em khối THCS.
Khối Tiểu học: giải Nhất thuộc về em Nguyễn Kim Chi (Trường Tiểu học Bình Dương, Phù Mỹ); Lê Thị Thúy Hằng (Trường Tiểu học số 1 Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn) và Lê Trần Thanh Toàn (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) cùng đoạt giải Nhì. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba, 24 giải Khuyến khích.
Khối THCS: 2 giải Nhì (không có giải Nhất) thuộc về em Tô Thị Thúy Nga (Trường THCS Mỹ Tài, Phù Mỹ) và Nguyễn Nữ Trà My (Trường THCS thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước); cùng 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.
Nếu ở Hội thi lần I và II, lượng thí sinh ở Quy Nhơn chiếm khá đông thì năm nay sự chênh lệch này không lớn. Mặt khác, đã khắc phục được tình trạng phụ huynh tự túc đưa con đi thi, gây vất vả và mất an toàn trong quá trình di chuyển. Chị Đỗ Thị Tiếp, từ Hoài Nhơn đưa con vào thi, phấn khởi cho biết: “Trường Tiểu học số 2 Tam Quan Bắc có 10 cháu được vào thi chung kết, nhà trường đã hỗ trợ mỗi cháu 100 ngàn đồng, cùng với phụ huynh lo phương tiện đưa đón tận nơi. Nhà trường còn cử giáo viên mỹ thuật của trường cùng đi”.
Hay như huyện An Lão có 7 em vào thi chung kết, Phòng GD&ĐT huyện vẫn thành lập đoàn với cán bộ phụ trách phong trào, giáo viên bộ môn, phụ huynh để đưa các em tham gia Hội thi. Anh Nguyễn Anh Khương, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Địa phương ở cách xa thành phố, hoàn cảnh gia đình học sinh phần lớn khó khăn, nếu để tự túc tham gia thì khó khuyến khích phong trào”.
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đề nghị: “Tuy không phải là hoạt động mang tính bắt buộc nhưng với những sân chơi năng khiếu bổ ích như thế này, các địa phương, trường học nên dành kinh phí và tổ chức cho các em tham gia, trải nghiệm, cọ xát cùng bạn bè. Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố cần làm tốt công tác phát động, triển khai, cùng với đại diện phụ huynh học sinh, trực tiếp đưa các em đi thi”.
Đáng tiếc ở hội thi này chỉ có học sinh của 8/11 huyện, thị xã, thành phố tham gia. 3 huyện vắng mặt không rõ lý do là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân cũng cần rút kinh nghiệm, góp mặt ở những Hội thi năm sau, cùng đóng góp cho phong trào sáng tác mỹ thuật của thiếu nhi trong tỉnh.
SAO LY