Miền không gian văn hóa biển
Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh lần thứ XII - năm 2016 (17-19.6), một không gian hội hè vui tươi và đậm chất biển đã được dựng lên tại vùng biển thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Trong Ngày hội, giữa bối cảnh thời sự khi lòng dân Việt tập trung hướng về biển đảo quê hương, chất biển và tinh thần vì biển càng bộc lộ rõ.
Trong 6 môn thi văn hóa, trừ 3 môn (thi tổ chức hội đánh bài chòi, ẩm thực và người đẹp), ở 3 môn thi còn lại (văn nghệ, hùng biện và dựng trại), chủ đề biển đảo thể hiện hết sức đậm nét.
Khúc tráng ca bảo vệ biển
Với những vật liệu dân dã, quen thuộc, thân thiện với môi trường là tre, nứa, giang, mây, 6 đơn vị tham gia Ngày hội đã dựng nên những trại kiểu dã ngoại xinh xắn và kiên cố. Thật xúc động khi bắt gặp hình ảnh trống đồng, dáng rồng uy nghi uốn lượn, thuyền, mái chèo, ngọn hải đăng, cánh chim hải âu, những cánh tay rắn rỏi chụm lại, giơ cao biểu thị sức mạnh và đoàn kết hay bản đồ hình chữ S và vị trí quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được đánh dấu bằng ký hiệu trái tim… được tạo tác khéo léo nơi cổng các trại.
Hiệu bài chòi của TP Quy Nhơn phối hợp ăn ý, hô được nhiều câu thai mới trong phần thi tổ chức hội đánh bài chòi của đơn vị mình.
Phần thi hùng biện, xoay quanh chủ đề “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cũng được mỗi thí sinh của từng đơn vị trình bày đầy sức thuyết phục, thể hiện ý thức, vai trò, trách nhiệm của người trẻ với nguồn tài nguyên biển cũng như vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển.
Được quan tâm thưởng thức nhất chính là phần thi văn nghệ, diễn ra trong đêm khai mạc 17.6. Trong khoảng thời gian tối đa 25 phút, mỗi đơn vị đều cân nhắc chọn lựa để có một chương trình hội đủ sự phong phú về hình thức (trình diễn nhạc cụ truyền thống, hát, múa, tiểu phẩm) và nhất là chứa đựng chiều sâu nội dung. Nét chung đáng chú ý là cả 6 đơn vị đều mang đến những tiết mục mà ngay từ tên gọi, tựa đề đến nội dung đều toát lên, thấm đẫm tinh thần vì biển. Trong đó, đáng ghi nhận là có khá nhiều tiết mục tự biên: chủ nhà Hoài Nhơn với “Tình biển” (múa), “Càng yêu biển đảo quê mình” (tổ khúc dân ca); Phù Mỹ với “Sống cùng biển” (tổ khúc dân ca); Tuy Phước có “Con cá heo không bỏ bạn” (tốp ca), lời tự biên theo làn điệu hò hụi, hò giựt chì; Phù Cát có “Đạp bằng sóng gió” (múa); TP Quy Nhơn đưa lên sân khấu Ngày hội câu chuyện thời sự còn nóng hổi về nạn cá chết hàng loạt trên biển miền Trung qua tiểu phẩm “Đừng để biển chết”…
Quy Nhơn giữ vững ngôi đầu
Tại phần thi các môn văn hóa, đồng hạng A ở môn ẩm thực với 4 huyện cùng tham gia, đồng thời giành thêm 4 giải A ở nội dung: văn nghệ, trại đẹp, hội đánh bài chòi và người đẹp, đơn vị TP Quy Nhơn đã khẳng định vị trí “đầu tàu” về văn hóa phong trào của tỉnh. Nếu chỉ tính từ Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh lần thứ X - 2012 đến nay, đây là năm thứ 3 liên tiếp TP Quy Nhơn đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Thành tích ổn định mà TP Quy Nhơn bảo vệ, ngoài sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt và thành quả của công tác nuôi dưỡng, chăm lo phát triển phong trào, còn dựa trên lợi thế về nhân lực mà các địa phương khác khó có được. Ví dụ như ở thể loại múa trong phần thi văn nghệ. Nếu như tiết mục múa của hầu hết đơn vị chưa thể hiện được tính sáng tạo mới mẻ hay hấp dẫn về nội dung thì TP Quy Nhơn trình làng tác phẩm múa “Những chàng trai cô gái xứ Dừa” nội dung nhẹ nhàng, vui tươi, trẻ trung. Tác giả tiết mục được khán giả xứ Dừa tán thưởng ấy chính là biên đạo Hoàng Việt - cán bộ của Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn.
Cũng trong phần thi này, với tiểu phẩm “Đừng để biển chết”, TP Quy Nhơn đã “ghi điểm” khi thể hiện ý thức cao về trách nhiệm tuyên truyền về ý nghĩa sống còn của việc bảo vệ môi trường biển. Hoặc như với môn thi hội đánh bài chòi cũng lại “trúng” vào sở trường của Quy Nhơn, bởi địa phương này sở hữu “dàn” hiệu có nghề, đông đảo về số lượng. 5 hiệu của Quy Nhơn tham gia Ngày hội năm nay, chỉ có Quý Nhất là gương mặt quen, còn lại là sự góp mặt của gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước, một gia đình “tài tử” mà cả cha, mẹ, các con đều mê bài chòi cổ, trong đó hai con đang theo học trung cấp bài chòi. Ở một khía cạnh nào đó, sự có mặt của gia đình bài chòi đến từ đảo Cù Lao Xanh này tại xứ Dừa để cùng tham gia trình diễn, quảng bá, bảo tồn nét văn hóa biển cũng là một chi tiết xúc động của Ngày hội mà không nhiều người biết đến…
Gặp nhau về chủ đề, thông điệp muốn gửi gắm, 6 chương trình độc lập của các đơn vị đã hợp thành tổng thể một chương trình lớn, xuyên suốt và kết nối mật thiết trên chủ đề biển đảo, giống như khúc tráng ca bảo vệ biển, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem.
SAO LY