Điều trị nhi sơ sinh ở tuyến huyện: Cần được trợ lực
Đơn nguyên Nhi sơ sinh (NSS) có ý nghĩa quan trọng trong cấp cứu, điều trị ban đầu ở cơ sở điều trị tuyến huyện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lực cản khiến hoạt động của các đơn nguyên NSS chưa được như ý.
TTYT huyện Hoài Nhơn là một trong những cơ sở điều trị tuyến huyện đầu tiên thành lập đơn nguyên NSS vào năm 2004. Ban đầu, đơn nguyên này được bố trí thuộc khoa Sản; từ tháng 10.2012 được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu để giảm nguy cơ lây nhiễm và thuận tiện cho việc theo dõi sát sao diễn biến bệnh.
Tiện nhiều bề
Đơn nguyên NSS của TTYT huyện Hoài Nhơn hiện có 4 giường bệnh, lúc đông lúc thưa, trung bình tiếp nhận 1 bé/ngày. Chiều 17.6, có 2 bé là con của sản phụ Nguyễn Thị Thu Hằng (ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và Nguyễn Thị Thu Nhi (ở khối 5, thị trấn Tam Quan) đều được chiếu đèn vàng da tại đây.
Điều trị cho trẻ tại đơn nguyên NSS tại TTYT huyện Hoài Nhơn (ảnh chụp ngày 17.6).
Vừa cẩn trọng rửa tay sát khuẩn, bà Nguyễn Thị Bé - chị chồng của sản phụ Nhi - kể: “Em nó sinh được 3 ngày rồi, thấy tình hình cũng yên ổn. Tự nhiên chiều nay thằng em gọi, bảo bé bị vàng da phải đưa qua NSS để chiếu đèn. Tui tức tốc lên ngay, để thay cho nó đi đón thằng bé đang học mẫu giáo. Ở đây có điều kiện chăm sóc vậy rất tiện, không lại phải chuyển BVĐK khu vực Bồng Sơn hay vào Quy Nhơn”.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Tráng, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - phụ trách đơn nguyên NSS, đơn nguyên có đầy đủ các trang thiết bị cơ bản, như đèn chiếu vàng da, lồng ấp, máy đo oxi máu, máy truyền dịch tự động. “Thêm vào đó, hoạt động theo dõi diễn tiến bệnh ở bộ phận hồi sức được chú trọng. Nhờ đó, chúng tôi có thể điều trị hiệu quả các bệnh lý thường gặp như vàng da, nhiễm trùng sơ sinh” - bác sĩ Tráng cho biết.
Để nâng cao hiệu quả điều trị NSS, hoạt động sàng lọc bệnh được quan tâm ngay từ khoa Sản. Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Lưu Kim Hoàng cho hay: “Những trường hợp bất thường trong quá trình chuyển dạ như ối cạn, ối bẩn, ối vỡ non, suy thai… đều được theo dõi đặc biệt để phát hiện và can thiệp kịp thời các bệnh lý NSS”.
Trong khi đó, tại TTYT huyện Hoài Ân, đơn nguyên NSS bắt đầu hoạt động từ năm 2009, mang lại nhiều tiện ích cho người dân địa phương. Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Đỗ Văn Cúc nhận định: “Quan trọng nhất là có được nơi điều trị dành riêng cho NSS với môi trường độc lập, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Các bệnh lý thông thường được điều trị ở tuyến cơ sở, tiết kiệm thời gian, chi phí khi chuyển viện cho bà con”.
Cần được tiếp sức
Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả hoạt động điều trị NSS ở tuyến huyện vẫn chưa được như mong muốn. Theo bác sĩ Đỗ Văn Cúc, do chưa thực hiện được các xét nghiệm chuyên sâu nên các trường hợp mắc bệnh về máu đều phải chuyển sớm. Mới đây, khi đo lại bước sóng, đèn chiếu vàng da cũng chưa đạt mức lý tưởng, nhưng chưa tìm được nguồn tài trợ để thay thế.
Nhân lực chưa đảm bảo cũng là khó khăn của TTYT huyện Hoài Nhơn. Tính cả Phó Giám đốc Lưu Kim Hoàng, khoa Hồi sức cấp cứu chỉ có 3 bác sĩ, 12 điều dưỡng; ngoài đơn nguyên NSS còn quán xuyến đến 21 giường bệnh hồi sức. “Nhiều khi muốn cử người đi tập huấn về NSS cũng khó, vì phải đảm bảo nhân lực thường trực phòng bệnh” - bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Rõ ràng, sự hỗ trợ cả về phương tiện kỹ thuật và chuyên môn là cần thiết để các cơ sở điều trị tuyến huyện nâng cao hiệu quả lĩnh vực NSS.
“Bên cạnh đó là khó khăn về nhân lực. Điều trị NSS cần cả êkip, cả đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp. Chỉ cần lấy ven không tốt vài lần là gia đình người bệnh không yên tâm, đòi chuyển ngay. Mà nhân lực của chúng tôi còn mỏng quá, số được đào tạo chuyên sâu NSS càng hiếm”
Bác sĩ ĐỖ VĂN CÚC - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, TTYT huyện Hoài Ân
Là “đàn anh” trong các cơ sở điều trị ở khu vực phía Bắc tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn đã có nhiều cố gắng để thúc đẩy sự phát triển của chuyên khoa NSS. Từ hộp chuyển viện chuyên dùng cho trẻ sơ sinh do tổ chức Ủy thác y tế Việt Nam - New Zealand tặng cho Bệnh viện, Phó Giám đốc Trần Quốc Việt đã nhờ người “độ chế”, cải tiến với những dụng cụ hiện có. 4 hộp chuyển viện cải tiến ra đời, được tặng cho TTYT các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão. Từ đó, hoạt động chuyển viện NSS đảm bảo an toàn, giảm biến chứng dọc đường.
Bên cạnh đó, NSS cũng là nội dung trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo tuyến của BVĐK khu vực Bồng Sơn đối với các cơ sở điều trị tuyến huyện. “Các trường hợp cụ thể tại cơ sở được đưa ra bàn bạc, phân tích. Chúng tôi hướng dẫn cho tuyến dưới cách xử trí trong từng ca bệnh cụ thể để rút kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Chuyển biến rõ rệt nhất là TTYT huyện Hoài Nhơn” - bác sĩ Việt cho hay.
Bác sĩ Việt cũng cho biết, BVĐK khu vực Bồng Sơn sẵn sàng tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại bệnh viện theo hướng cầm tay chỉ việc cho nhân viên y tế tuyến dưới. Ngoài ra, ông cũng đã đặt vấn đề với tổ chức Ủy thác y tế Việt Nam - New Zealand về việc tổ chức các lớp tập huấn ngay tại Bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh ở phía Bắc tỉnh được trang bị kiến thức, thực hành chuyên sâu về NSS.
NGUYỄN VĂN TRANG