Công nhân bốc vác xi măng đòi thêm “phí” bồi dưỡng
Theo phản ánh của người dân xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, để làm đường bê tông nông thôn, họ phải đóng thêm “phí” bồi dưỡng cho công nhân bốc vác xi măng của Công ty cổ phần Bicem (Công ty sản xuất xi măng của Bình Định có địa chỉ tại QL1A, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước)-là đơn vị cung cấp xi măng làm đường bê tông nông thôn.
Ông Phan Đình Nguyên, trưởng thôn Dương Thành - thôn xa nhất xã Phước Thắng, phản ánh: Từ năm 2015 đến nay, thôn đăng ký làm 2 km đường bê tông trong xóm và ngõ xóm. Thôn nhận hỗ trợ 132 tấn xi măng, tương đương với 2.640 bao xi măng; công nhân bốc vác Công ty đòi phí bồi dưỡng 1.000 đồng/bao, nghĩa là thôn mất thêm 2,64 triệu đồng. Nếu không trả tiền, họ vin đường đi khó khăn, không chở xi măng đến tận chân công trình thì thôn phải mất thêm công trung chuyển.
Xe Công ty cổ phần Bicem chở xi măng làm đường bê tông nông thôn xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Trưởng thôn Khuôn Bình Trần Văn Đào cho biết thêm: Loại xe 12 tấn/chuyến, công nhân đòi bồi dưỡng thêm 150 ngàn đồng/xe, xe 10 tấn thì 120 ngàn đồng. Nếu không chịu chi, công nhân dùng móc sắt kéo bao xi măng làm rách bao, đổ xi măng ra ngoài. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm nay, thôn Khuôn Bình được nhận hỗ trợ 340 tấn xi măng để thi công 3,714 km đường bê tông. Xi măng được vận chuyển bằng 28 chuyến xe loại 12 tấn/chuyến, mất phí 4,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: “Việc đòi tiền bồi dưỡng của công nhân bốc vác gây khó cho phong trào “dựa sức dân làm đường bê tông nông thôn” của xã. Sau khi UBND xã trực tiếp làm việc với Công ty CP Bicem về vấn đề này, Công ty khẳng định không có chủ trương cho công nhân bốc vác đòi thêm tiền bồi dưỡng vì đã trả lương cho họ rồi. Vì vậy, địa phương đề nghị Công ty buộc lái xe và công nhân phải trả lại tiền đã nhận”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thôn Tư Cung - thôn bị đòi “phí” bồi dưỡng 200 ngàn đồng/xe - mặc dù lái xe và công nhân bốc vác đồng ý trả lại tiền nhưng chỉ trả một nửa và đến nay cũng mới trả được lại 5 chuyến (500 ngàn đồng), còn “nợ” 4 chuyến xe.
XUÂN THỨC
Thực tế nạn vòi vĩnh phổ biến từ lâu, không chỉ có trong cơ quan công quyền mà xuất hiện ở bất kỳ lĩnh vực nào, đối tượng phục vụ nào, từ công chức, viên chức đến công nhân bốc vác,... từ công trình tư nhân đến công trình công ích. Cứ có cơ hội là họ vòi vĩnh, cái này thuộc về đạo đức, lương tâm xuống cấp của một bộ phận không nhỏ người lao động.