Ông Thái Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh:
Cháy nổ đường dây là do nhu cầu dùng điện tăng cao
Ðầu tháng 6.2016, Cảnh sát PC&CC Bình Ðịnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo tình trạng cháy nổ trên các thiết bị điện công cộng đang có xu hướng tăng. Thiệt hại về tài sản không đáng kể nhưng gây mất an toàn và lo lắng cho các khu dân cư. Ông Thái Minh Châu, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Ðiện lực đã trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
* Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy, nổ trên các thiết bị điện công cộng do quá tải hoặc một số thiết bị quá cũ. Vì sao lại xảy ra hiện tượng này, thưa ông?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 trạm biến áp và gần 100 ngàn vị trí cột điện có đấu nối về điện. Đây là những điểm có nguy cơ phát nhiệt, tạo ra lửa làm cháy, nổ. Nguyên nhân có thể là do các thiết bị điện đường dây dùng quá tải, ở các đường dây nhánh rẽ vào các hộ gia đình, đặc biệt vào mùa nắng, nóng nhu cầu sử dụng điện tăng cao gấp 2-3 lần. Khi dùng nhiều thì dây dẫn, các thiết bị điện và mối nối dễ sinh ra nhiệt dẫn đến cháy. Ngoài ra, có thể do lớp cách nhiệt dây dẫn không tốt, khi chạm vào nhau có thể gây ra chạm, chập, dẫn đến cháy, nổ.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do nhu cầu dùng điện tăng cao, nhất là ở các nhánh rẽ vào nhà dân. Khi các mối nối không chịu được dòng điện quá lớn phát sinh ra nhiệt nên gây ra cháy. Hiện nay, cháy ở vị trí trên cột điện chủ yếu ở đoạn đấu nối nhánh rẽ vào nhà dân.
Công nhân Công ty Điện lực Bình Định thường xuyên kiểm tra và sửa chữa hệ thống truyền tải điện. Ảnh: ĐLBĐ
* Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng hiện nay trên trụ điện phải gánh thêm nhiều loại dây khác như viễn thông, cáp quang, chiếu sáng, cũng đã góp phần tăng thêm nguy cơ cháy?
- Đây cũng là một phần của nguy cơ. Hiện nay, trên trụ điện có nhiều loại dây đi “nhờ” như dây thông tin, cáp, chiếu sáng, thậm chí là trang trí quảng cáo. Trên cùng một vị trí cột điện mà có quá nhiều đường dây như vậy sẽ tác động đến quá trình vận hành của điện. Chẳng hạn như việc công nhân viễn thông leo trèo lên cột điện chạm vào đường dây, làm cho mối nối ít nhiều bị ảnh hưởng, từ đó dễ sinh ra cháy, nổ. Đồng thời, việc này còn gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng của ngành; thậm chí việc xử lý, ứng cứu cháy nổ cũng bị hạn chế vì khó tiếp cận ở vị trí có quá nhiều đường dây.
Hiện nay, ngoài nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng của ngành, Công ty Điện lực cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bó gọn lại các cáp viễn thông đi trên cùng một đường dây trên cột điện nhằm đảm bảo lưới điện an toàn thông suốt và tạo mỹ quan. Công ty đã bó gọn cáp ở tuyến đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) và trong năm 2016 sẽ làm thêm 43 km nữa ở TP Quy Nhơn. Việc chỉnh trang, bó gọn không thể làm nhiều được vì mất thời gian, công sức và phải cắt điện tại khu vực đó.
Tuy nhiên, để làm được việc này, cần phải có sự phối hợp của các đơn vị liên quan. Theo tôi được biết, cáp viễn thông không còn sử dụng hiện nhiều hơn số đang được sử dụng. Khi chỉnh trang đường dây, ngành thu được nhiều cuộn cáp “vô chủ”. Dĩ nhiên, có một số đơn vị kinh doanh dịch vụ Công ty thu phí “đi nhờ” trụ điện nhưng phí này không đáng kể. Bên cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về quản lý, vận hành đường dây, khi không sử dụng nữa thì phải tháo gỡ, không thể quy hết trách nhiệm cho chúng tôi được.
* Theo thống kê, hơn 50% số vụ cháy trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nguyên nhân do điện, chủ yếu là ở nhà dân. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ông có khuyến cáo gì đối với các hộ đang sử dụng điện?
- Trước hết là phải sử dụng điện tiết kiệm. Thứ đến, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm vì dễ gây ra quá tải, không những làm hư hỏng thiết bị mà còn tạo nên nguy cơ cao về cháy, nổ. Hiện nay, hầu hết các gia đình mới chỉ để ý các bản thiết kế nhà, chưa thực sự quan tâm đến thiết kế hệ thống điện trong nhà, tính toán nhu cầu sử dụng các thiết bị điện đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như tương lai.
Thêm nữa, mỗi gia đình nên tự trang bị thiết bị cầu dao chống giật, rò rỉ điện để đảm bảo sử dụng điện an toàn; khi xảy ra chạm, chập ở các thiết bị điện hoặc đường dây điện trong nhà, hệ thống này sẽ tự động ngắt điện. Nhưng theo thống kê của ngành, số hộ khách hàng trong tỉnh có lắp đặt thiết bị này chưa phổ biến lắm, nhất là vùng nông thôn.
* Xin cám ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)