Những điểm cần lưu ý về sốt siêu vi
Theo cách hiểu hiện nay, sốt siêu vi là một cụm từ để chỉ một hội chứng có sốt, nghi do nhiễm siêu vi, nhưng thầy thuốc chưa đủ chứng cứ chuyên môn để khẳng định đó là bệnh nhiễm siêu vi gì.
Các loại nhiễm siêu vi thường gặp nhất hiện nay được xếp theo thứ tự về tần suất gây bệnh là: Cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết Dengue, bệnh tiêu chảy do nhiễm vi-rút Rota, thủy đậu, quai bị, viêm gan A, viêm não, viêm gan B, viêm gan C...
Trên thực tế, biểu hiện chung thường gặp nhất ở trẻ bị sốt do nhiễm siêu vi là sốt cao kèm mỏi mệt, đau cơ, đau rát họng và bỏ ăn. Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nếu sốt cao không hạ kịp thời, trẻ hay quấy khóc về đêm, hay giật mình, có khi lên cơn co giật. Co giật có thể dẫn đến suy hô hấp, tắc đường thở, nặng hơn sẽ để lại di chứng do tổn thương não. Do hậu quả nặng nề như vậy, chúng ta cần biết cách xử trí khi trẻ lên cơn sốt. Các bà mẹ nên biết cách làm mát cho trẻ và làm quen với liều lượng của thuốc hạ sốt paracetamol phù hợp với cân nặng của con mình.
Sốt siêu vi thường hiếm khi trầm trọng ngay trong 1-3 ngày đầu tiên của bệnh. Chính vì vậy, phụ huynh chỉ cần hợp tác tốt với thầy thuốc, tuân thủ theo hướng dẫn của họ là có thể chăm sóc và theo dõi trẻ đúng cách. Các cơ sở y tế đều được khuyên là phải hẹn khám lại trẻ vào ngày thứ 3-6 của bệnh để khỏi bỏ sót những trường hợp diễn biến nặng.
Điều quan trọng là khi trẻ sốt, gia đình nên đưa trẻ đi khám ngay. Người trực tiếp chăm sóc trẻ phải được hướng dẫn kỹ để biết cách nhận dạng các biểu hiện nặng. Các biểu hiện nặng thường có thể gặp vào ngày thứ 4-7 của bệnh, bao gồm: (1) Li bì, lơ mơ, rũ rượi, không chịu ăn. (2) Mê man, bất tỉnh, gọi hỏi không biết. (3) Nôn mửa dữ dội đến mức không thể ăn uống được. (4) Xuất hiện mảng bầm tím, hoặc nôn ra máu, chảy máu cam, đi tiêu ra máu. (5) Lạnh tay chân, vã mồ hôi, môi khô khốc, da xanh tái. (6) Xét nghiệm công thức máu vào ngày thứ 4 của bệnh thấy bạch cầu giảm kèm với số lượng tiểu cầu giảm. (7) Nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút, thở có tiếng rên, hoặc thở rít, khò khè, cánh mũi phập phồng. (8) Da vàng, nước tiểu sậm màu.
Khi chớm xuất hiện 1 trong 8 loại biểu hiện nêu trên, người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng tìm mọi cách đưa trẻ đến cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. Phải đưa trẻ đến các bệnh viện có đủ điều kiện để được chẩn đoán chính xác, điều trị đúng theo phác đồ.
BS TRẦN NHƯ LUẬN