Bảo tồn di sản từ việc nhỏ
Hè này, trong khi nhiều nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, cơ sở tư nhân trên cả tỉnh như thông lệ vẫn tổ chức các lớp dạy các môn năng khiếu phổ thông quen thuộc như múa, hát, vẽ, nhạc, thì Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn lại chọn môn “không đụng hàng”: dân ca - bài chòi.
Lớp năng khiếu hè dân ca - bài chòi chắc hẳn sẽ kén đối tượng, số lượng người học ít ỏi, đồng nghĩa với việc học phí thu về sẽ không nhiều như các bộ môn năng khiếu nghệ thuật thông dụng khác. Đây là những trở ngại mà đơn vị tổ chức đã nhận định từ trước. Song, Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn vẫn mạnh dạn mở lớp, bởi trong quá trình cộng tác làm việc hay theo dõi phong trào văn nghệ học đường của nhiều trường phổ thông trên địa bàn Quy Nhơn, các cán bộ của Trung tâm nhận thấy nhiều hạt nhân dân ca cũng có nhu cầu tìm hiểu sâu thêm, thực hành biểu diễn về dân ca bài chòi, nhưng không biết học ở đâu. Từ thực tế đó, kết hợp với mong muốn của lãnh đạo và những cán bộ tâm huyết của Trung tâm, lớp đầu tiên đã được mở “thử nghiệm” nhằm đưa dân ca bài chòi đến với một bộ phận bạn trẻ yêu thích; đồng thời tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống Bình Định.
Được biết, lớp năng khiếu hè dân ca - bài chòi tại Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn hiện có 20 em theo học, đa số là học sinh cấp 2. Học viên của lớp năng khiếu hè “đặc biệt” này, một nửa là con em cán bộ, nhân viên của Trung tâm, những người làm công tác văn hóa thông tin muốn định hướng con em có ý thức tham gia bảo tồn di sản văn hóa của quê hương; số còn lại là những em có năng khiếu, yêu thích dân ca - bài chòi đăng ký vào học. Các em sẽ được dạy các làn điệu dân ca cơ bản, đặc trưng của miền Trung và Bình Định; được học cách hô, hát bài chòi lối cổ, lối mới; học về câu thai bài chòi, cách làm hiệu, tổ chức hội đánh bài chòi.
Lớp năng khiếu hè dân ca - bài chòi lần đầu tiên được mở trong dịp hè này là một hoạt động thiết thực nằm trong “dòng chảy” bảo tồn di sản bài chòi Bình Định mà TP Quy Nhơn nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Kể từ khi Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được phục dựng, TP Quy Nhơn luôn là địa phương đi đầu trong tỉnh trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản. Từ việc dành một phần không nhỏ kinh phí và huy động nhân lực cán bộ, nghệ nhân duy trì tổ chức định kì hội đánh bài chòi vào dịp cuối tuần phục vụ người dân và du khách, đến việc “phủ sóng” hội bài chòi đến hầu hết các xã, phường trong thành phố.
KHẢI THƯ