Ngoại tình
* Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Anh ngoại tình. Việc này cả khu phố không ai là không biết nhưng chẳng hiểu sao chị vẫn dửng dưng như chẳng hề hay biết gì. Ở cái nhà này, chị là trụ cột nên cả phố đều lạ rằng anh có cái gan tày đình nào mà dám “vượt mặt” chị nhường thế. Lạ một điều nữa là việc anh ngoại tình, tuy không dẫn về nhà nhưng điều tiếng râm ran thì cũng đã lan truyền. Vậy mà chị vẫn cứ đi làm mỗi ngày, vẫn cười nói với anh mỗi ngày, vẫn cứ đối xử với anh như lũ chim câu với nhau vô thức. Người ta không biết nhưng tôi thì biết rất rõ, vì tôi là em họ của chị, hàng xóm của anh chị. Ngày chị dưới quê lên phố làm, chị dẫn tôi theo cho thuê căn phòng ở tạm. Tôi nghĩ chẳng phải vì chị không muốn đối xử với anh theo cách anh đã làm với mình, mà vì chị không thể, vì chị kiêu hãnh.
Chị có một cái quán nhỏ bán xôi sáng ở khu phố lao động, lại gần trường học nên người ta ăn nhiều. Lâu dần sinh lời, cũng có đồng ra đồng vào. Anh chỉ là công nhân xây dựng, ngày thầu thì đi làm, còn không thì cũng chỉ ở nhà, lân la phụ chị. Hai người có với nhau những năm mặt con, đứa lớn nhất cũng đã hai mươi, còn nhỏ thì mới lên tám. Những tưởng cuộc sống gia đình cứ êm đềm trôi qua như thế, thì tất cả lại đổi thay chỉ vì một chữ tiền. Chị nấu xôi ngon, khách ngày càng đông, nên chị đã mở thêm “chi nhánh” quán xôi của mình tại nhiều địa điểm. Và khi tiền chị kiếm được ngày càng nhiều, tiếng nói của anh trong gia đình lại có vị thế ít hơn. Đùng một cái, chị mua nhà, căn nhà to dưới phố, tôi cũng theo chị ở nhờ một góc nhỏ. Lúc này, tính tình chị bắt đầu đổi khác.
Người ta hay bảo đồng tiền có một mãnh lực mê hồn, nó dễ khiến người ta thay đổi. Nhưng tôi lại nghĩ, là đồng tiền hay bởi tại con người? Chung quy lại, tôi thấy đồng tiền cũng chỉ là một cơ hội, cơ hội để xét đoán mối quan hệ giữa người và người. Nếu con người đừng bị cám dỗ, đừng vì nó mà thoái hóa nhân cách, chẳng phải đồng tiền chẳng bao giờ mang tiếng xấu như vậy hay sao? Người ta lại thường bảo, đàn ông mà không làm chủ gia đình thì nhục lắm, rồi cái nòi bám váy vợ thì ôi thôi đủ thứ chuyện để người ta phì vào mũi. Tôi nghĩ, anh cũng biết người ta điều ra tiếng vào khi sống nhờ vào vợ. Chỉ có điều anh giả lảng. Cái giả lảng của anh, người tốt thì bảo: “Để yên cho nó sống, nó cũng đi làm phụ vợ, chỉ là không nhiều tiền bằng vợ thôi”, kẻ nhiều chuyện thì lại buông: “Thằng đó mặt dày, bám váy vợ mà không biết nhục”. Tôi nghe tất về kể lại cho anh, anh cười xòa:
- Người ta nói gì mặc người ta, chán thì người ta không nói nữa thôi.
- Nhưng anh cứ để người ta đồn sai sự thật thế à?
- Cũng đâu có sai, kỳ thực chị làm nhiều tiền hơn anh mà.
Bỗng dưng, tôi thấy anh… nhục như người ta nói. Với chí trai của một thằng mới mười tám tuổi như tôi, tâm niệm lúc nào trong đầu cũng là phái mạnh phải “thống lĩnh” phái yếu và nhục nhất của thằng đàn ông đó là để vợ nuôi. Bởi thế, tôi thấy anh nhu nhược, nhu nhược đến độ chẳng biết từ lúc nào, trong nhà vắng bóng tiếng nói của anh. Chị quyết định mọi thứ, từ việc cho con học trường nào đến việc mua những đồ vật dụng trong gia đình, hay quyết định những việc liên quan đến gia đình như đi thăm hai bên nội ngoại ngày nào, anh chỉ răm rắp tuân theo…
Nhưng rồi, tôi nhận ra không phải anh không buồn vì những lời nói đó, chỉ là anh không thể nói. Đó là khi tôi nghe anh chị cãi nhau lần đầu tiên sau từng ấy năm. Tiếng chị át hẳn tiếng anh: “Lúc nào anh cũng vậy… anh mua về… hỏi ý tôi chưa… Anh thật chẳng hiểu nổi”. Thi thoảng, tôi nghe tiếng yếu ớt từ anh: “Mình nói nhỏ thôi, các con nghe thì không tốt”. “Vậy ý anh là tôi đang nói điều không tốt à? Tôi đang mắng anh sai đấy phải không?”. Rồi tôi không nghe anh nói gì nữa, hoặc giả anh phản kháng lại một cách yếu ớt đến độ tôi không nhận ra. Tôi thức khuya để học ôn, tối khát nước đi lùng nước uống, thấy anh ngồi hút thuốc trên ban công. Năm mươi tuổi đầu, đàn ông có cái gì mà chưa từng trải?
- Anh buồn vì chị nói thế sao?
- Anh buồn vì chị ấy thay đổi quá nhiều!
- Nếu không thể tiếp tục sao còn gượng ép? Em thấy anh mệt mỏi quá rồi.
- Vợ chồng hai ba chục năm, năm mặt con cả rồi, anh không muốn con anh thành kẻ không cha.
Tôi im lặng không nói gì. Tôi cảm thấy cái chí trai mà tôi nói, tôi nghĩ lúc trước, bỗng trở nên quá nhỏ bé trước lời nói của một người cha. Anh đã hút rất nhiều thuốc trong đêm hôm đó. Còn tôi, tôi chỉ biết nhìn làn khói thả trong đêm.
* * *
Chị đi học nhảy đầm. Đàn bà có của thường chuộng cái “món đó”. Chị kết thân với mấy bà bạn, thường kéo nhau đi đây đó chơi lúc cuối tuần. Cứ rảnh rỗi chị lại kéo họ về căn nhà mới, rồi cả đám thi nhau đánh bài chắn, khiến tôi lại không thể nào học bài được. Hội chị không chỉ các bà mà còn có vài ông “thiếu vợ” cũng tham gia. Nhìn cảnh họ uốn éo lắc lư trước mặt đám nhỏ, anh góp ý:
- Mình muốn nhảy đầm, mình qua nhà khác, đám trẻ nhìn thấy lại không hay. Những hành động đó, tôi thấy không đứng đắn.
- Ý anh là sao? Ý anh tôi là con đàn bà không đứng đắn? Nhà này ai mua? Ai mua mà anh có quyền lên tiếng đuổi tôi ra khỏi nhà?
Và theo sau là tiếng chửi vang động cả khu xóm của chị. Trước, hai vợ chồng còn đóng cửa bao nhau; sau, mỗi lần chị mắng anh là dường như cả xóm đều biết. Đáp lại, anh chỉ từ tốn giải thích. Nhưng anh càng nhịn bao nhiêu, chị càng lấn tới. Hàng xóm đến coi, chị càng lấy đó làm oai, mắng anh không tiếc lời, thậm chí cuối cùng còn chốt hạ: “Nhà này tôi lo tất cả, đừng nghĩ vượt mặt được tôi”. Rồi chị quay đi. Anh thấy tôi đang nhìn chỉ cười. Cái giá của một người cha đắng thế sao anh?
Rồi tôi bắt đầu nghe người ta đồn anh ngoại tình. Người ta lại được dịp xỉa xói anh, nào là đàn ông bạc nửa đầu còn ham của lạ, nào là bám váy vợ mà đòi phản bội vợ. Tôi biết hết. Có đôi lần, tôi cũng thấy anh và chị ấy, một người đàn bà có gương mặt phúc hậu.
- Chị ấy chưa chồng- anh nói với tôi - Là bạn thuở nhỏ của nhau. Rồi anh lấy chị của em, duyên lỡ dở, nay mới gặp lại.
- Anh thương chị ấy sao?
- Chị ấy thương anh.
Câu nói đó dường như trở nên quan trọng hơn tất thảy. Chị tôi biết tất cả, nhưng chị chỉ nói với tôi: “Anh ta không dám đâu. Chị nuôi anh ta mà”. Và cảm xúc của tôi nó ngược đời đến nỗi, tôi ghét chị của mình. Nhưng tôi biết, cả anh cũng đang dang dở. Anh vừa muốn đến với người phụ nữ kia, vừa ngần ngại khi nó trái với triết lý sống của mình. Rõ ràng, anh vẫn đang cố gắng giữ hạnh phúc gia đình. Anh cười với tôi: “Anh vừa mua thứ này, hôm nay sinh nhật chị. Ngày trước chị thích nhất món này”. Mở ra, bên trong là mớ khoai lang nóng hổi mà theo câu chuyện ngày xưa chị kể khi tôi còn nhỏ, là hai người nghèo đến nỗi chẳng có tiền mua đồ ăn, cứ sinh nhật chị là anh mua món này đổi bữa, xem như thứ quý giá nhất. Tôi cười cười. Thế nhưng, đi học về, tôi thấy đám khoai lang nằm trong sọt rác. Còn chị đang xỉa xói anh không tiếc lời: “Ý anh là sao? Sinh nhật tôi anh không mua nổi thứ gì ý nghĩa hay sao mà mua thứ này? Anh đang muốn móc tôi, cho tôi quay lại ngày cơ hàn ấy hay sao?”. Anh nhìn tôi thẫn thờ, tôi nhìn anh tiếc nuối.
Rồi tôi đi thực tế mấy tháng. Ngày tôi về, thấy chị đang khóc dưới bếp. Anh đang xếp dọn đồ đạc, lá đơn ly dị thẫn thờ nằm trên bàn. Tôi không hỏi mà cảm thấy đó là điều tất yếu. Việc hai người không còn yêu thương nhau rồi xa nhau, việc hai người chẳng còn dành sự thấu hiểu cho nhau thì xa là tất yếu. Nhìn thấy tôi, anh vỗ vai:
- Ráng đậu đại học, anh sẽ thưởng.
Tôi gật đầu, biết anh đang nói thật. Tôi không phán xét anh, cũng không thông cảm cho anh, chỉ như một người biết chuyện để anh đi thật nhẹ nhàng. Anh đẩy cửa bước đi, đến với hạnh phúc mới. Ánh sáng le lói chiếu vào. Một hạnh phúc dù rất muộn.
L.H.H.T