Rạp phim địa phương - Bức tranh u ám
Khoảng 2 năm trở lại đây, những người làm phim nước nhà hân hoan với nhiều tin vui: số lượng phim tăng, doanh thu năm 2015 đạt 100 triệu USD, trong đó 30% đến từ phim nội... Nhìn về tổng thể, đó là những tín hiệu tích cực. Nhưng sự sôi động đó chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, trong khi tại hầu hết địa phương, bức tranh u ám vẫn bao phủ, trong đó nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là chất lượng của hệ thống rạp chiếu.
Cả rạp chiếu phim ở Hội An chỉ có duy nhất một tấm poster quảng cáo phim
Rạp phim: Có cũng như không
Cách đây một năm, khi có dịp ghé thăm TP Hội An (Quảng Nam) chúng tôi vô cùng bất ngờ vì ở thời điểm này mà vẫn còn những tấm poster phim giống như được viết tay một cách thô giản, với thông báo sơ sài về lịch chiếu cùng các thành phần diễn viên tham gia. Thử hỏi với cách quảng bá như trên, không biết liệu bộ phim sẽ thu hút được bao nhiêu khán giả, nhất là khi nó được chiếu sau các TP lớn gần... 6 tháng. Nhưng đó chưa phải là tất cả, một số tỉnh, thành khác, rạp chiếu phim được xây dựng từ mấy chục năm trước, nay bỏ không.
Ông Văn Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Khánh Hòa chia sẻ, đến năm 2014, rạp phim còn lại duy nhất do trung tâm điện ảnh tỉnh quản lý (số 10 đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang) đã bị thu hồi và địa phương chỉ còn 6 đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trước đó, tỉnh này từng có đến 12 rạp phim; thời hoàng kim, riêng tại Nha Trang, trung bình mỗi ngày có 25 suất chiếu nhưng sau đó mất dần. Điều đáng nói, Khánh Hòa là địa phương có du lịch phát triển, năm 2015 thu hút hơn 4 triệu du khách, trong đó hơn 950.000 khách quốc tế, mức tăng bình quân khoảng 15%. Khi đó, miếng bánh thị phần và lợi nhuận hoàn toàn thuộc về các đơn vị tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Lotte Cinema và rạp Platinum (thuộc Công ty cổ phần Bạch Kim MVP) đang “ngự trị” tại đây.
Tại Bình Thuận, thực tế không tốt hơn là mấy. Ông Trương Minh Tùng, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cho hay, hiện trung tâm chỉ còn duy nhất một phòng chiếu kỹ thuật số mà không có bất cứ hoạt động nào khác đi kèm. Rạp 23-4 tại thị xã La Gi đã bị xuống cấp, hư hỏng và đành ngưng hoạt động trong khi cụm rạp Lotte Cinema Phan Thiết với 3 phòng chiếu, hơn 300 ghế cùng nhiều tiện ích. “Khán giả ít đến với rạp như thời gian trước đây, mỗi buổi chiếu chỉ bán được vài vé, doanh thu không có, hạch toán thua lỗ, có những phim không đủ chi phí quảng cáo, các hãng phim có thời gian không muốn phát hành phim cho trung tâm”, là những thực trạng được ông Tùng nêu ra.
Không có rạp hay từng có rạp nhưng nay bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng cũng là thực tế phổ biến. Ở một số tỉnh, thành như Tây Ninh, Đồng Tháp, Đắk Nông..., hiện hoạt động chiếu phim chỉ dựa vào các đội chiếu bóng lưu động. Ông Đinh Công Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, điện ảnh và du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hiện các rạp đã được cải tạo để xây dựng nhà hàng, khách sạn, còn lại một rạp (rạp chiếu Hoa Lư) đến năm 2008 đã nằm trong quy hoạch xây dựng quảng trường Đoàn kết”.
Đừng ỷ lại vào “bầu sữa” ngân sách
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, trong Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 199/QĐ-Ttg ngày 25.1.2014, dự kiến có khoảng 48 rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành phố được cải tạo, nâng cấp; 49 rạp chiếu được xây mới với trang thiết bị phù hợp, đạt tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên các địa phương chưa có rạp chiếu phim. Hiện nay, theo thống kê hệ thống rạp của các trung tâm, công ty phát hành phim và chiếu bóng do nhà nước quản lý là 93 rạp, trong đó có 58 rạp hoạt động với 103 phòng chiếu, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng và 18 trung tâm không có rạp chiếu. Trước khó khăn này, đơn vị nào cũng kêu gọi và chờ được cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào một số bài học thành công dù còn khá hiếm hoi như hiện nay, không phải mọi thứ đều đã vào đường cùng.
Tại Kiên Giang, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh một mặt xây dựng kế hoạch dự toán sửa chữa, nâng cấp từng bước các hạng mục, mặt khác chủ động thuê máy móc kỹ thuật số hiện đại để kịp thời phục vụ nhu cầu của khán giả. Hiện đơn vị này đã thuê 3 máy chiếu kỹ thuật số 2D-3D với âm thanh đạt chuẩn 7.1; liên hệ với các nhà phát hành, phổ biến phim để được chiếu phim vòng 1 và cho những kết quả đáng khích lệ. Doanh thu từ công tác này tăng từ 1,377 tỷ đồng (năm 2012) lên 5,611 tỷ đồng (năm 2015) và nửa đầu năm 2016 đạt gần 3 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2012, đơn vị này đã chủ động thuê máy chiếu HD của Công ty cổ phần Đầu tư điện ảnh ViNa để chiếu phim phục vụ khán giả trong khi thiếu hụt phim nhựa. Đến năm 2014, trung tâm tiếp tục liên kết với Công ty TNHH VINEMATIM - EUGENETEK tại Hà Nội để thuê máy chiếu kỹ thuật số đưa vào lắp đặt, sử dụng. Bình quân mỗi năm đơn vị này phục vụ được 1.255 buổi chiếu, thu hút 113.784 lượt người xem.
Nhìn vào thị trường rạp chiếu phim các tỉnh, thành, nói như ông Nguyễn Trinh Hoan, đại diện HK Film: Chúng ta có quá nhiều lợi thế bởi một mình một nhà và đa phần đều không bị sức ép cạnh tranh quá lớn (trừ một số tỉnh, thành đã có các đơn vị tư nhân, nước ngoài xây dựng cụm rạp). Một giải pháp được ông Nguyễn Anh Quảng, đại diện EV Cinema đưa ra, đó là đơn vị này sẵn sàng hợp tác kinh doanh để ăn chia tỷ lệ hay cho thuê thiết bị chiếu phim hiện đại phù hợp với thực tế. Đơn vị này sẵn sàng đưa các máy chiếu vào mà không lo vấn đề mất bản quyền phim, đồng thời có thể làm việc với các nhà phát hành đưa phim mới về chiếu.
Thực tế về rạp chiếu phim của các địa phương là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng nếu chỉ biết kêu khó, kêu khổ và chờ đợi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chuyện bị xóa sổ chỉ là sớm hay muộn. Ông Trương Minh Tùng đã thẳng thắn nói: “Làm ra để sống không bám vào nhà nước… Không thể bám vào “bầu sữa” ngân sách là cách tự cứu lấy mình”.
Theo VĂN TUẤN (SGGP)
Tại khu vực phía Bắc, tỉnh Sơn La đến nay vẫn không có rạp chiếu phim. Người dân tỉnh chưa biết phim chiếu rạp là như thế nào. Không chỉ ở tỉnh miền núi Sơn La, mà ngay ở tỉnh kinh tế phát triển khá năng động như Hải Phòng, hệ thống rạp chiếu phim thuộc nhà nước quản lý cũng xuống cấp trầm trọng, lãnh đạo các cấp lại đùn đẩy, không quyết tâm cải thiện tình hình. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng, cho biết: “Trung tâm có 3 rạp chiếu, đều nằm ở vị trí thuận tiện nhưng trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp, nhưng xin hết sở nọ đến sở kia mà vẫn không được duyệt”.
Giải pháp, theo ông Trần Hồng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Sơn La: Tôi mong muốn trong quy hoạch, tỉnh bố trí quỹ đất ở vị trí thích hợp để tiến tới xin kinh phí trung ương và dùng vốn đối ứng của tỉnh xây dựng trước hết là một rạp chiếu phim tại TP Sơn La và có lộ trình cụ thể để phát triển. Những cụm rạp được đầu tư phải theo đúng quy hoạch, trang thiết bị phải thống nhất, có nguồn phim dồi dào tránh để tình trạng “tỉnh ăn không hết, tỉnh lần chẳng ra”.
Theo SONG HÀ (SGGP)