Nên bỏ cơ chế chi tiền ngân sách cho cán bộ đi học nước ngoài
TAND cấp cao Đà Nẵng vừa mở hai phiên xét xử phúc thẩm vụ án về việc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng đối với ông Huỳnh Văn Long và bà Huỳnh Thị Thanh Trà.
Theo đó, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND Đà Nẵng đối với hai vụ án nêu trên, buộc ông Long (và cha là Huỳnh Bửu) có nghĩa vụ bồi hoàn 100% kinh phí đã nhận từ ngân sách Đà Nẵng gần 2,7 tỉ đồng; buộc bà Trà (và mẹ là Nguyễn Kim Anh) bồi thường gấp 2 lần kinh phí đào tạo đã nhận, tương đương gần 3,1 tỉ đồng ( Báo Tuổi Trẻ, số ngày 27.6)
Được biết, từ tháng 10-2014 đến nay, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện 15 người nhận ngân sách thành phố đi học đại học, thạc sĩ ngoài nước nhưng vi phạm hợp đồng, buộc bồi hoàn số tiền hàng chục tỉ đồng.
Trong một diễn biến khác, TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cũng đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện của Trường Đại học Cần Thơ đòi bà Vũ Thị Nhuận phải trả 569 triệu đồng chi phí đào tạo tiến sỹ tại nước ngoài. Đơn khởi kiện của Trường có nội dung: Tháng 10.2005, bà Nhuận được Trường Đại học Cần Thơ cử đi học Tiến sỹ ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Kyushu-Nhật Bản. Sau khi về nước bà có đơn xin nghỉ việc, một thời gian sau nhà trường phát hiện bà Nhuận đang công tác tại một đơn vị khác.
Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Hà Thanh Toàn còn cho biết, từ trước đến nay, ở Trường Đại học Cần Thơ có hơn 30 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước nhưng đã không về nước hoặc về nước mà không công tác tại Trường. Tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, chưa kiện đòi được.
Đó là chỉ kể hai trong số rất nhiều vụ vi phạm hợp đồng đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước trên phạm vi cả nước. Chỉ riêng chuyện thực hiện không đúng các thỏa thuận giữa nhà nước và học viên đã cho thấy không đạt như mong muốn. Chưa nói đến hiệu quả làm việc sau này của các học viên khi về nước cũng chưa có gì bảo đảm sẽ phát huy hiệu quả. Điều đó cho thấy cơ chế cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đang có nhiều vấn đề bất ổn, gây lãng phí ngân sách nhà nước
Tâm lý chung của cán bộ được cử đi đào tạo về đều so sánh giữa thu nhập và các chế độ đãi ngộ khác của nhà nước trả cho họ với thu nhập khi làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài có sự chênh lệch lớn, dẫn đến tư tưởng sẵn sàng bỏ việc, hoặc làm việc chiếu lệ, chờ hết thời gian “nghĩa vụ” thì “biến”. Như thế, vô hình trung nhà nước đã “nắm đằng lưỡi” khi cử cán bộ đi đào tạo kiểu này, bởi không biết cán bộ đi học xong có về làm việc hoặc làm việc có hiệu quả hay không? Nhiều trường hợp như đã nói phải theo đuổi kiện cáo khá vất vả, gian truân để đòi lại công bằng, đòi lại tiền cho ngân sách nhà nước.
Từ thực tế đó, thiết nghĩ, cần mạnh dạn bỏ cơ chế dùng ngân sách nhà nước để cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài như hiện nay. Số tiền đó, có thể sử dụng để tăng lương hoặc cung cấp các chế độ đãi ngộ cho việc tuyển dụng nhân sự đã được đào tạo bên ngoài xã hội. Chỉ cần chế độ đãi ngộ tốt là có thể thu hút được nhân tài đã qua đào tạo vào làm việc. Thực tế hiện nay, có không ít người lao động đã được đào tạo cơ bản ở nước ngoài muốn cống hiến cho các cơ quan nhà nước nhưng không có cơ hội (không có biên chế ) hoặc còn băn khoăn, do chế độ đãi ngộ chưa xứng đáng.
Làm theo cách này, các cơ quan nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tuyển dụng, thu hút người tài thông qua cơ chế thi tuyển hoặc các hình thức minh bạch, công khai khác; chủ động tuyển chọn nhân lực cho các lĩnh vực cần người giỏi; giải quyết được vấn đề việc làm vốn đang là thách thức lớn khi rất nhiều người giỏi ra trường nhưng chưa có việc làm phù hợp.
Hoặc có thể thay đổi cơ chế cấp học bổng hiện nay bằng cơ chế cho vay học bổng có bảo lãnh của gia đình. Chỉ khi nào người học trở về đơn vị thì mới được xóa nợ dần theo thời gian công tác. Xu hướng chung là giảm dần kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, tạo nguồn kinh phí từ sự phối hợp giữa đơn vị cử người đi đào tạo và bản thân người học.
Ngọc Minh