Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT:
Không kiểm định phương tiện chưa lắp thiết bị GSHT
Ông Đặng Văn Ái
Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quy định, trước ngày 1.7.2016, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp phù hiệu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, xung quanh vấn đề này.
● Hiện nay, việc triển khai quy định bắt buộc gắn thiết bị GSHT và cấp phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng từ 7 tấn đến dưới 10 tấn ở tỉnh ta được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 phương tiện có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn đang còn hạn lưu hành. Tuy nhiên, chỉ khoảng 200 xe đã đăng ký kinh doanh, cấp phù hiệu và lắp đặt thiết bị GSHT, đạt 25% so với tổng số xe. Tiến độ thực hiện như vậy là còn chậm. Nhiều chủ hộ kinh doanh vận tải chưa nhận thức được vai trò của thiết bị GSHT đối với việc quản lý xe và tài xế. Mặt khác, nhiều đơn vị có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, đợi đến sát giờ “G” mới thực hiện. Ngoài những nguyên nhân về phía doanh nghiệp (DN) vận tải còn có việc nhập nhèm của thị trường thiết bị GSHT với nhiều sản phẩm chất lượng không tốt, không tạo được niềm tin cho một số đơn vị vận tải. Sản phẩm chưa ổn định, lái xe lại tìm mọi cách để phá, nên việc chủ DN sử dụng thiết bị GSHT rất khó khăn.
● Những lợi ích mang lại từ việc phương tiện vận tải phải gắn thiết bị GSHT là gì, thưa ông?
- Việc lắp đặt thiết bị GSHT cho ô tô có nhiều điều lợi cho chủ DN, giúp DN quản lý phương tiện tốt hơn. Khi sử dụng thiết bị GSHT để quản lý và theo dõi phương tiện, DN có thể giám sát được trạng thái hoạt động của phương tiện và lái xe khi đang lưu thông, từ đó có thể quản lý số km cũng như sự an toàn của phương tiện, lái xe, hành khách, đồng thời góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tỉ như: cảnh báo cho lái xe khi có hiện tượng xe chạy vượt quá tốc độ quy định, thời gian làm việc của lái xe quá quy định, dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, để từ đó có biện pháp nhắc nhở lái xe chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, thông qua thiết bị GSHT sẽ dễ dàng theo dõi các hoạt động của phương tiện vận tải, của lái xe, qua đó tổng hợp nhắc nhở, xử lý các DN, phương tiện vi phạm. Đặc biệt, khi tai nạn giao thông xảy ra, các lực lượng chức năng sẽ có cơ sở dữ liệu từ thiết bị GSHT trên xe để phục vụ công tác điều tra.
Các xe tải từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị GSHT trước ngày 1.7.2016.
Hiện đã có trường hợp một số DN, lái xe đối phó khi lắp thiết bị GSHT nhưng ngắt kết nối khi bị lỗi; hoặc bị hỏng thiết bị nhưng chậm khắc phục. Để ngăn chặn thực trạng này, Sở GTVT đã và đang tăng cường các biện pháp theo dõi hoạt động của thiết bị GSHT đối với tất cả các phương tiện vận tải khi đến sở làm thủ tục cấp phù hiệu xe. Chúng tôi cũng đã thường xuyên theo dõi dữ liệu từ thiết bị GSHT trên xe của các đơn vị vận tải qua hệ thống quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các phương tiện cố tình vi phạm.
● Nếu các chủ phương tiện vẫn không thực hiện quy định gắn thiết bị GSHT thì sẽ bị xử lý như thế nào?
- Sở GTVT đã làm việc và gửi công văn đến các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, bắt buộc các đơn vị phải lắp đặt thiết bị GSHT trên từng phương tiện. Đến ngày 1.7, đơn vị nào chưa thực hiện, ngoài việc không cấp phù hiệu hoạt động, Sở GTVT còn có thể thu hồi giấy phép vận tải của đơn vị kinh doanh. Trường hợp, phương tiện nào cố tình lưu thông khi chưa được Sở GTVT cấp phù hiệu, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Hơn nữa, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm không kiểm định cho phương tiện nào đã tới thời hạn kiểm định nhưng chưa lắp thiết bị GSHT theo lộ trình.
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)
Quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị giám sát hành trình
Bộ GTVT đã có Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị GSHT của ô tô. Theo đó, thiết bị GSHT phải có các chức năng tối thiểu sau: Chức năng thông báo trạng thái hoạt động; chức năng ghi nhận thay đổi lái xe; chức năng cảnh báo đối với lái xe; chức năng ghi và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị; chức năng truyền dữ liệu về máy chủ; chức năng cài đặt tham số; chức năng trích xuất dữ liệu qua cổng kết nối với máy tính. Bên cạnh đó, thiết bị GSHT phải có vỏ bọc cứng, đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường làm việc của xe, đảm bảo không làm mất hay thay đổi dữ liệu đã được ghi, lưu trữ tại thiết bị GSHT.