Email, chứng từ điện tử được coi là chứng cứ trong tố tụng hành chính
Theo Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13, của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, ngoài một số vật chứng là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc, văn bản công chứng, chứng thực; lời khai của đương sự…; từ ngày 1.7.2016, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác về giao dịch điện tử và văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ cũng được coi là chứng cứ trong tố tụng hành chính.
Đương sự trong tố tụng hành chính có quyền tự mình thu thập thông điệp dữ liệu điện tử; vật chứng; xác định người làm chứng, lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng...
Đương sự còn được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập; được tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình; được đề nghị tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý…
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật thôi việc nếu không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại nhưng hết thời hạn mà chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết đó.
Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền giải quyết, thẩm phán phải thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí là 10 ngày từ khi nhận được thông báo.