Xả thải làm cá chết ở đập dâng Cây Mít
Gọi điện đến “đường dây nóng” báo Bình Ðịnh, người dân thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, phản ánh tình trạng cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước tại đập dâng Cây Mít, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Ðây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này.
Người dân thôn Hiệp Long dùng vợt để vớt những xác cá nổi lềnh bềnh tại đập dâng Cây Mít.
Có mặt vào sáng 29.6 tại đập dâng cây Mít, chúng tôi thấy hàng ngàn con cá các loại như rô phi, cá muối, cá trắng chết tấp vào hai góc của đập dâng. Nước trong lòng đập có màu trắng đục, mùi hôi thối bốc lên do xác cá phân hủy. Rác thải cũng trôi dạt về bủa vây tại hai góc đập dâng.
Theo người dân địa phương, tình trạng này xuất hiện từ sáng 27.6. Ông Bùi Cao Miên, 67 tuổi, ở xóm An Thái, thôn Hiệp Long, phản ánh: Chiều 26.6, nước trong lòng đập vẫn trong sạch. Nhưng sau cơn mưa cùng ngày, đến sáng 27.6, nước đã ngả màu trắng đục như nước gạo và có mùi chua; cùng với đó là hiện tượng cá chết với số lượng lớn.
Hiện tượng này khiến người dân vô cùng lo lắng vì nhiều lẽ. Một là, nước trong lòng đập dâng phục vụ tưới cho gần 100 ha ruộng và đất sản xuất của hơn 300 hộ dân thôn Hiệp Long. Nếu mở đập thì nguồn nước chảy xuống làm hư hại toàn bộ ruộng lúa, hoa màu, cây trồng; chưa kể, sẽ thấm vào mạch nước ngầm và giếng ở khu dân cư. Gia súc gia cầm uống phải nguồn nước này sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc. Hai là, người dân sẽ mất đi nguồn lợi thủy sản trong lòng đập dâng cây Mít nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ông Lê Văn Phẩm, Thôn trưởng thôn Hiệp Long, cho biết: “Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, thôn đã báo cáo vụ việc cho UBND xã Cát Lâm. Người dân mong muốn chính quyền địa phương cùng ngành chức năng nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân”.
Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Trước đó, vào tháng 11.2015 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Ngay khi phát hiện, người dân đã báo với chính quyền địa phương cùng ngành chức năng nhưng sau đó, sự việc đã rơi vào im lặng(?).
Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã tìm hiểu và xác định nguyên nhân là do cơ sở chế biến tinh bột sắn chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép ở thôn Thuận Phong, do ông Bùi Văn Lộc làm chủ, xả thải. Vụ việc tương tự vào tháng 11.2015 cũng do cơ sở này gây ra. Sau đó, ông Lộc đã thỏa thuận với người dân địa phương về biện pháp khắc phục. Mới đây, UBND xã Cát Lâm đã lập biên bản vi phạm, buộc cơ sở này tạm ngưng sản xuất; đồng thời phải khắc phục hậu quả, ký cam kết bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, với những vi phạm nhiều lần của cơ sở chế biến tinh bột sắn này, UBND huyện Phù Cát cùng ngành chức năng cần kiểm tra, xử lý dứt điểm để đảm bảo nguồn nước trong lành của đập dâng Cây Mít.
PHÚC LỘC