Siết kỷ cương, tăng cường trách nhiệm
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, trên phạm vi cả nước xảy ra hơn 10.220 vụ TNGT, làm chết 4.362 người, bị thương 8.939 người; giảm 8,52% số vụ, 2,59% người chết và 11,95% người bị thương so với cùng kỳ năm 2015. Riêng tại Bình Định, toàn tỉnh xảy ra 167 vụ TNGT, làm chết 92 người, bị thương 124 người; so với cùng kỳ giảm 30 vụ, 4 người chết và 44 người bị thương.
Như vậy là trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình bảo đảm TTATGT của cả nước và tỉnh ta có diễn biến tích cực, giảm trên cả 3 chỉ tiêu đánh giá. Tuy nhiên, kết quả đã đạt được vẫn còn hạn chế, chưa được như mục tiêu mong muốn, nhất là số người thương vong do TNGT vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt cần lưu ý là gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Riêng trong tháng 5 và tháng 6, TNGT cả nước tăng đột biến cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có ngay các giải pháp để kéo giảm TNGT trong thời gian trước mắt.
Theo phân tích của Ủy ban ATGTQG, nguyên nhân chính của tình trạng TNGT tăng trong 2 tháng gần đây chủ yếu là do ý thức tuân thủ pháp luật TTATGT của một bộ phận người dân và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn thấp; bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, kiểm định phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa còn nhiều thiếu sót, chưa làm tốt trách nhiệm, có hiện tượng tiêu cực dung túng vi phạm của lái xe, chủ xe.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm TTATGT kể từ ngày 1.7.2016, với mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí, từ 5 -10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2015.
Cụ thể, công điện yêu cầu lực lượng chức năng cần rà soát, khắc phục dứt điểm các điểm đen tiềm ẩn TNGT trên toàn tuyến đường trọng yếu; tăng cường ATGT tại các đoạn đường đèo, dốc, các vị trí có nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ trọng điểm qua các tỉnh trung du, miền núi. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm TTATGT đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó tập trung xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, tải trọng, quá chu kỳ đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, chở hành khách không mặc áo phao, thiết bị cứu sinh trên phương tiện giao thông đường thủy…
H.Đ