Bài học từ Formosa
Ngày 30.6, lãnh đạo Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng làm môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, hải sản chết bất thường ở vùng biển của 4 tỉnh miền Trung.
Lãnh đạo Formosa cũng đã cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam, với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỉ đồng (500 triệu USD). Ðồng thời, cam kết khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại (của tổ hợp sản xuất thép có vốn đầu tư lên tới 10,5 tỉ USD này) trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, không để tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra...
Cuối cùng thì sau nhiều ngày chờ đợi, nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung đã được làm rõ. Ðó là những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Sự việc được công bố “hai Năm rõ Mười” đã giúp trấn an dư luận, chấm dứt những đồn đoán nghi ngờ, người dân bị thiệt hại vì sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng này sẽ được đền bù thỏa đáng, những nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường về công nghệ của dự án buộc phải khắc phục triệt để…, có thể xem như là một cái kết tạm thời chấp nhận được sau sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, từ sự cố Formosa chúng ta cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ðây là bài học không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà cũng là bài học chung cho cả nước (trong đó có Bình Ðịnh) trong việc thu hút các dự án đầu tư FDI có quy mô vốn lớn đồng thời cũng có tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hiện nay, ở nước ta không chỉ có một sự cố môi trường của Formosa tác động tới môi trường biển, khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ở nhiều địa phương khác cũng có không ít những dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ hủy hoại môi trường tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, môi trường sống…
Vì vậy, sự cố Formosa ở Hà Tĩnh là lời cảnh tỉnh cho các địa phương khác (trong đó có Bình Ðịnh) trong thu hút đầu tư. Trước vụ Formosa, chúng ta cũng đã xảy ra nhiều vụ hủy hoại môi trường nghiêm trọng như Vedan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, Hyundai nhập khẩu xỉ đồng độc hại, Tungkuang gây ô nhiễm nghiêm trọng... Ðây là hậu quả tất yếu của việc thu hút đầu tư vì thành tích ngắn hạn, dễ dãi với những dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, bất chấp việc có thể phải trả giá bằng môi trường, bằng sinh kế và thậm chí là sinh mạng người dân.
Vụ Formosa ở Hà Tĩnh chính là bài học “nhãn tiền” đắt giá để chúng ta thay đổi về nhận thức và hành động trong chính sách thu hút đầu tư. Ðó là phải cân nhắc thận trọng hơn nữa trước quyết định chấp thuận một dự án đầu tư, kiên quyết nói “không” với các dự án đầu tư có thể mang lại một số lợi ích trước mắt nhưng có thể di hại lâu dài.
Hải đăng