Trại giam Kim Sơn: Cảm hóa phạm nhân bằng trách nhiệm và tấm lòng
Chủ động, sáng tạo, kỷ luật và đầy tình người là một trong những lý do mà Trại giam Kim Sơn, Bộ CA (đóng ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) thành công trong công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân. Trên cơ sở vận dụng đúng các quy định của Luật thi hành án hình sự, Trại đã từng bước giúp những người có ý định buông xuôi khi phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật dần lấy lại tinh thần và an tâm cải tạo, có ý thức tuân thủ pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.
Dạy văn hóa kết hợp mở các lớp giáo dục pháp luật cho phạm nhân là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục phạm nhân tại Trại giam Kim Sơn thời gian qua.
Linh hoạt, khéo léo hướng thiện phạm nhân
Một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tổng kết công tác giáo dục phạm nhân giai đoạn 2012-2016, do Trại giam Kim Sơn vừa tổ chức, chính là làm thế nào để công tác giáo dục phạm nhân ngày một hiệu quả, đúng thực chất.
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, khi đến chấp hành án tại đây, hầu hết phạm nhân đều có tư tưởng chán nản, bất mãn, chống đối; vì vậy, yêu cầu đặt ra cho mỗi cán bộ, chiến sĩ là phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị trong việc quản lý, giáo dục, giúp phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi mà họ đã gây ra, đồng thời cần có niềm tin vào cuộc sống, chấp hành tốt các nội quy, quy định của Trại, tích cực lao động sản xuất để sớm trở về với gia đình, thành người có ích cho xã hội.
Yêu cầu đặt ra là vậy, song thực tế các phạm nhân với mỗi mức án và tội danh khác nhau, tâm lý cũng khác nhau nên đòi hỏi công tác giáo dục phạm nhân cần linh hoạt. Các cán bộ quản giáo Trại đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp như mở lớp học tập trung, sinh hoạt đội phạm nhân định kỳ, gặp gỡ giáo dục riêng từng người, nhất là những phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém, để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân, động cơ hành vi, từ đó có hướng cảm hóa cụ thể cho từng người. Bên cạnh việc rèn luyện nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ, người làm công tác cải tạo, cảm hóa phạm nhân còn phải có thái độ mềm mỏng, sự cảm thông, chia sẻ, nhưng kiên quyết để phạm nhân tự giác chấp hành nội quy và yên tâm cải tạo.
Nhờ vậy, nhiều phạm nhân sau khi thụ án một thời gian, từ chỗ bất cần, luôn gây rối, vi phạm kỷ luật, đã cải tạo tốt, được xét giảm án, thậm chí có người còn viết đơn xin ở lại trại sau mãn hạn tù. Đơn cử như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Văn Thuận (SN 1981, quê Tiền Giang, bị kết án chung thân về tội giết người, lừa đảo tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản), từng là một phạm nhân cá biệt, phải điều chuyển từ Trại giam Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) về Trại giam Kim Sơn từ năm 2009, nay đã cải tạo tốt và còn viết đơn xin ở lại trại khi hết hạn tù.
Đi vào trọng tâm
Ở Trại giam Kim Sơn, việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân gắn liền với công tác dạy nghề, dạy văn hóa, đan xen cùng các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, chia sẻ: “Trong công tác tiếp nhận, quản lý, cải tạo, giáo dục phạm nhân ở Trại giam Kim Sơn, cán bộ, quản giáo luôn xác định có 2 nhiệm vụ chính là giáo dục về chính trị, tư tưởng, pháp luật và giáo dục thông qua lao động sản xuất, giúp phạm nhân nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương trại giam để khi mãn hạn tù về có ích cho xã hội”.
Nhờ xác định rõ mục tiêu nên thời gian qua, công tác giáo dục quản lý phạm nhân ở đây luôn đạt kết quả cao. Cụ thể, 5 năm qua (2012 - 2016), đã có trên 5.400 phạm nhân được giảm án, hàng trăm phạm nhân được đề nghị đặc xá qua từng năm, tỉ lệ phạm nhân xếp loại kỷ luật tốt, khá chiếm từ 85-90%. Như đánh giá của Trung tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ CA, tại Hội nghị: “Tập thể cán bộ, quản giáo của Trại giam Kim Sơn đã biết biến cái khó từ thực tế của công tác quản lý, giáo dục phạm nhân thành sự sáng tạo riêng của mình để từ đó đạt kết quả cao trong công tác giáo dục phạm nhân, đưa Trại trở thành một trong những nơi cải tạo, cảm hóa phạm nhân hiệu quả trong cả nước”.
KIỀU ANH