Bức tranh trong ngăn kéo
* Truyện ngắn của Phan Ðức Lộc
Chính hội họa đã dắt Phương ra khỏi những ngày tăm tối nhất của cuộc đời. Đến cả một bác sĩ giỏi như Thạch cũng phải tấm tắc: “Anh không ngờ liều thuốc hữu hiệu nhất đối với em lại là những lọ màu nước lem nhem ấy”. Biết Phương thích vẽ, Thạch nhờ người mua hộ giấy, cọ, màu tốt nhất cho Phương. Phương nhỏ nhẹ: “Em chỉ vẽ vời linh tinh cho khuây khỏa thôi. Đâu nhất thiết phải làm thế!”.
* * *
Nắng sớm chiếu xiên qua một lỗ thủng bé li ti trên chiếc rèm màu ghi như đang thả xuống nền nhà những bông hoa nắng vàng ươm lấp lánh. Phương giơ tay ra hứng. Bông hoa nắng tròn xoe cứ lăn lăn, nhảy nhót theo nhịp tay chuyển động của Phương, thật ngộ nghĩnh. Và cảm hứng được nhen. Trước khi đi làm, Thạch đã xếp sẵn màu nước để ngay ngắn theo thứ tự, kẹp sẵn giấy vẽ lên giá và không quên để lại một lời nhắn nhủ trên tấm giấy vàng chanh gắn đầu giường với dòng chữ ngắn gọn: “Ngày mới vui vẻ. Cố lên, my love”.
Cưới nhau đã sáu năm rồi mà lúc nào Thạch cũng ngọt ngào như lúc mới yêu.
Việc của Phương còn lại chỉ là dùng chiếc nạng gỗ mở toang ô cửa sổ, cầm cây cọ chấm chấm vào những lọ màu nước đã pha sẵn và hí hoáy vẽ. Phương không biết gì lý thuyết, kỹ thuật hội họa. Cô vẽ theo bản năng, chép lại từ thực tế những cảnh đẹp cô từng ngắm, từ vịnh Hạ Long, hồ Ba Bể, động Phong Nha hoặc những công trình đã xem nghe đọc nhiều lần như tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự Do, nhà hát Opera Sydney… bằng một trí tưởng tượng đầy phóng khoáng, nhẹ nhàng và bay bổng.
Tranh của Phương ẩn chứa một khát vọng sống kín đáo, nhưng rất đỗi mãnh liệt. Mỗi lần ngắm tranh của Phương xong, Thạch thường hôn lên tóc Phương và tình tứ nói: “Khi đôi chân của em hoàn toàn bình phục, anh sẽ đưa em đi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất này mà em muốn!”.
Tháng này, cứ cách mấy đêm, Phương lại nghe thấy tiếng nói cười vọng lại từ ô cửa sổ có treo chiếc chuông gió vỏ sò của căn hộ đối diện.
- Mẹ thơm vào má phải gấu bông.
- Bố thơm vào má trái.
- Ứ! Thế còn con sẽ thơm vào đâu?
- Thì con sẽ thơm vào cả má bố và má mẹ.
Đêm tĩnh mịch đến mức Phương nghe hầu như không sót một từ nào. Những câu thoại quá đỗi ấm áp và tràn ngập yêu thương. Giọng bà mẹ có vẻ vẫn còn nhí nhảnh kiểu trẻ con. Giọng ông bố thì ồm ồm nửa quen, nửa lạ. Đặc biệt, giọng cô con gái thì trong veo như một giọt sương đêm làm Phương cứ muốn lắng nghe nó nói mãi. Tò mò, Phương khẽ vén rèm ngước sang. Ánh đèn hồng nhạt mờ ảo phòng bên khiến Phương chẳng nhìn được gì. Nhưng chỉ cần nghe họ trò chuyện thôi cũng đủ biết căn nhà ấy hạnh phúc đến nhường nào.
Kim giờ đồng hồ đã điểm số 12, Phương vẫn lồm cồm bò dậy, vặn đèn tỏ hơn nữa. Quờ tay vào ngăn kéo, Phương lại tiếp tục với những lọ mực màu và cây cọ. Từ tờ giấy trắng vừa được vuốt phẳng phiu, một khung cửa sổ bắt đầu hiện ra, xung quanh có những dây leo xanh mướt. Ông bố đứng bên phải, hơi ngoẹo đầu sang trái. Bà mẹ đứng bên trái, hơi nghiêng đầu sang phải. Ở giữa… Vẽ đến đó, từng ngón tay Phương như đóng băng lại, tê liệt, cứng đơ, bất lực. Ngực Phương bỗng nhưng nhức như có khúc gỗ đè lên. Phương ngồi đó, tựa đầu vào song cửa và liên tưởng về mái ấm đang vẽ dở. Nếu… Phương nghĩ tới đó thì bất giác ngửa mặt nhìn lên trần nhà để ngăn không cho ký ức theo nước mắt ầng ậng trào ra. Ngừng tay vẽ, cô xếp bức tranh chưa hoàn thiện vào ngăn kéo.
Ký ức là những mảnh sứ vỡ sắc nhọn, chỉ cần vô tình khẽ chạm là trái tim rướm máu. Dòng chảy thời gian có thể bào mòn nó hay không? Phương nhìn xuống chân phải tong teo của mình. Những vết thương sau vụ tai nạn thảm khốc năm nào đã lành sẹo rồi. Các khớp xương cũng đang dần cử động được. Nhưng có một vết thương sẽ mãi mãi chẳng bao giờ khép miệng, đó là nỗi đau mất đi đứa con trong bụng đã hơn sáu tháng tuổi.
Phương vẫn thường dặn lòng đừng mãi giày vò chính mình trong cái mê cung quá khứ ấy. Phương biết, cũng giống như búp chồi cựa vỏ trên nhành cây sần sùi màu nâu trong bức tranh “Mùa xuân” đã từng vẽ, cô cũng phải chôn nỗi đau vào một miền thinh lặng nào đó để sống tiếp, để vươn lên tựa mầm xanh lách mình đón nắng sau cơn giông bão. Đến với hội họa, Phương được sống nhiều hơn, tĩnh tại và an nhiên. Mỗi lần hoàn thành một bức tranh phong cảnh là thêm một lần Phương cảm thấy mình vừa kết thúc một chuyến du lịch đầy trải nghiệm. Phương còn muốn đến đảo Jeju, cao nguyên Tây Tạng, Tu viện Phật giáo Paro Taktsang Palphug bằng cây cọ như dự định. Nhưng đầu óc Phương vẫn còn bận bịu đuổi theo những tiếng nói cười viên mãn phát ra từ ô cửa sổ có treo chiếc chuông gió vỏ sò ấy…
Cô giúp việc xin về quê. Thạch lại có ca trực. Thành thử căn nhà im ắng đến lạnh. Dạo gần đây, lịch trực của Thạch ở bệnh viện dường như tăng gấp đôi. “Mấy bác sĩ điều chuyển công tác. Bệnh viện chưa tuyển bổ sung được”, Thạch cố giải thích mặc dù Phương không hề hỏi. Rất có thể anh nói dối để tụ tập rượu bia hoặc hẹn hò bồ bịch. Nhưng giả sử anh có ngoại tình chăng nữa, Phương cũng sẽ chẳng oán trách nửa lời. Phương quan niệm, nếu tình yêu của Thạch dành cho cô phai nhạt, cô chấp nhận để chồng ra đi. Vả lại, ai cũng cần có một khoảng không gian cho riêng mình. Cũng giống như hơn tháng nay, vì muốn toàn tâm, toàn ý phiêu lưu trong thế giới nghệ thuật, Phương bảo cô giúp việc dọn dẹp, chuyển đồ ra ở riêng trong căn phòng này- căn phòng vốn dĩ ngày trước cô định dành cho đứa con đầu.
Phương run run cầm bút vẽ gương mặt đứa con trong bức tranh còn dang dở mà nước mắt cứ tràn trề ứa ra rỏ tong tỏng vào lọ màu. Gương mặt ấy, nụ cười ấy, Phương đã cố bao lần mà không vẽ nổi. Có tiếng bước chân nện thình thịch trên nền gạch men. Thạch về. Qua khe cửa khép hờ, thấy Phương còn mải miết, anh ghé đầu vào, nói rất khẽ như sợ làm cô giật mình:
- Ngủ đi em, khuya rồi!
Phương vội vàng gạt những giọt lệ ướt nhèm đang đậu trên mi mắt, đáp mà không quay mặt ra:
- Em còn dở tay. - Phương đưa tay ghìm thanh quản để Thạch không biết mình đang khóc. - Anh lại bỏ trực à?
- Anh đã nhờ Tuấn trực hộ!
Chữ “Tuấn” được Thạch nói lướt qua như ngắn lưỡi. Sau cái lần gây ra tai nạn, Tuấn có ghé qua nhà vợ chồng Phương một vài lần để thăm hỏi, động viên. Nhưng lần nào cũng khẩu trang, kính râm che kín mặt, dáng điệu lật đà, lật đật. Mọi thứ xảy ra trong cuộc đời này đều do bàn tay sắp đặt của số phận. Hơn nữa, với vị trí phó giám đốc bệnh viện, Tuấn đã nhiều lần nâng đỡ Thạch. Nghĩ vậy, Phương vẫn cố gắng gượng cười khi giáp mặt Tuấn. Đằng nào thì đứa con của vợ chồng Phương cũng mất rồi, chân Phương cũng dần đi cà nhắc được những bước ngắn. Nên Phương ngậm ngùi chịu đau một mình còn hơn khiến người khác phải cắn rứt lương tâm vì mình. Và lần nào cũng vậy, hễ Tuấn vừa ra khỏi cửa, Phương lại bưng mặt khóc tức tưởi.
Cây xương rồng trong chiếc bình gốm nhỏ cạnh cửa sổ đã nở hoa. Một bông hoa đỏ rực, lạc lõng. Thành phố này nhộn nhịp là vậy. Nhưng Phương thấy nó giống một cái sa mạc hơn. Và mỗi căn hộ là một ốc đảo. Đèn sáng. Cửa mở. Chạm mặt nhau suốt ngày. Song, dường như ai cũng bận rộn và hối hả đến mức tiết kiệm với nhau cả một lời chào hỏi xã giao khiến Phương đôi lúc cảm thấy vô cùng căng thẳng và ngột ngạt.
Gia đình ba người ấy đã chuyển đến căn hộ đối diện gần một năm nay và dù hai nhà chỉ cách nhau một cái hành lang có chiều rộng chưa đầy 1m, nhưng Phương vẫn chưa hề biết mặt hay nói chuyện với họ. Mỗi sáng, Phương thức dậy đã thấy căn phòng bên kia đóng cửa im ỉm, đối lập hoàn toàn với những thanh âm sum vầy lúc đêm về.
Dẫu bị đặt giữa sa mạc, Phương cũng phải sống. Phương đã đọc được ở đâu đó câu nói: “Nếu chẳng may bị mất đi đôi chân, thì đừng quên rằng bạn vẫn còn một đôi cánh tâm hồn.” Và bàn tay số phận đã chuộc lại lỗi lầm khi mang đến cho Phương một niềm vui to lớn như cây xương rồng hồi sinh sau cơn mưa hiếm muộn. Những chuyển biến trong cơ thể như cô đã từng cảm nhận được ba năm về trước đang nhắn nhủ cô rằng: Hãy cứ vẽ tiếp đi, hạnh phúc đang quyện hòa trong từng trang giấy, lọ màu, cây cọ, thật gần gũi và giản dị!
Phương lại lao tâm vào vẽ nốt bức tranh còn dang dở. Những ngón tay Phương như có phép màu. Gương mặt tròn núng nính của đứa con hiện ra qua đôi đường chấm phá uyển chuyển, mộc mạc mà rất có hồn. Phương nắn nót từng nét lông mày, đôi mắt, khóe môi. Và bên ô cửa sổ, Phương không vẽ chiếc chuông gió mà thay vào đó là một bình cây xương rồng đang nở chùm hoa đỏ rực. Lòng xôn xao, tấp tễnh, Phương vừa đề dòng chữ “NƠI EM MUỐN ĐẾN NHẤT” thì tuột tay làm rơi cây cọ, một chấm mực đen té vào gương mặt người bố trong bức tranh.
Cô vội vàng lấy khăn giấy ướt khéo léo lau chùi. May mà vẫn kịp. Thở phào, cô háo hức hơ qua bức tranh dưới ánh nắng mặt trời đang hắt vào cho ráo mực, rồi cẩn thận cất vào ngăn kéo định bụng chờ một lúc thích hợp nhất sẽ đem khoe với Thạch.
Sáng ra, Phương tấp tễnh chống nạng bước ra ngoài sau những tháng ngày dài ủ dột trong căn phòng thoảng mùi hoa hồng trắng. Bỗng nhiên cô thấy một đám người đông đúc của khu chung cư này cứ xúm xít vây quanh căn hộ đối diện, nháo nhào bình luận. Lần đầu tiên, cô thấy căn hộ đó mở cửa chính vào buổi sáng. Lách mắt quan sát, Phương nhìn rõ những vệt máu loang hằn vết đỏ tươi. Đâu đó có tiếng xì xồ bàn ra, tán vào:
- May mà anh sửa ống nước phát hiện ra, không thì con bé đã mất mạng rồi. Đang yên, đang lành, chẳng hiểu sao nó lại cắt cổ tay tự tử.
- Con bé mắc bệnh tâm thần mấy năm nay rồi. Mười sáu, mười bảy tuổi đầu rồi mà lúc nào cũng nghĩ mình là cô bé năm tuổi.
- Tội nghiệp! Nghe đâu bố nó là sếp một bệnh viện lớn. Lâu lâu mới ghé thăm hai mẹ con một lần. Phận bồ nhí thì cũng chỉ đến thế.
Một cảm giác choáng váng choán lấy tâm trí Phương. Mùi máu tanh xộc thẳng vào mũi khiến Phương buồn nôn quá. Lẳng lặng vịn cửa vào nhà vệ sinh, tự dưng, Phương thấy thương con bé chưa từng được gặp mặt ấy vô cùng. Thế mà Phương đã từng nghĩ rằng…
Tối đến, Thạch trở về khi chiếc áo sơ mi kẻ caro ướt nhèm và nồng hăng mùi rượu. Đây là lần đầu tiên Phương thấy Thạch say đến mức đó. Vừa mở cửa phòng, chưa kịp cởi giày, anh liêu xiêu bước vào rồi nằm oặt xuống sofa như một sợi bún, mềm nhũn. Miệng anh lải nhải:
- Em biết không. Anh và thằng Tuấn luôn bằng mặt, nhưng không bằng lòng. Hức! Hức! Hức! Nhưng hắn là sếp anh, anh phải ngậm ngùi phục tùng hắn như một con chó. Đến hôm nay thì nó biết tay anh…
Phương bịt chặt mũi. Lúc này, bất cứ một thứ mùi lạ nào xông vào cánh mũi cũng khiến cô cồn cào cổ họng. Cô nói như đang ra lệnh:
- Anh say rồi! Anh đi ngủ đi!
Thạch vẫn chưa sửa được cái tính ấy, cứ có chút men rượu là nói toạc ra hết những điều cất giấu kỹ lưỡng:
- Đến cả mẹ con con bồ nhí của nó, đích thân anh phải lóc cóc đi tìm nhà để mua hộ. Rồi nhiều đêm, anh còn phải sang đóng thế vai một ông bố vui tính thì đứa con gái tâm thần của hắn mới chịu đi ngủ. - Thạch đặt tay lên vai Phương, vẫn lảm nhảm trong nước mắt. Men rượu làm anh ta không kiềm chế được những lời đáng lý ra cần giấu kín với vợ - Đêm qua, khi bồ nhí và hắn ra ngoài dan díu với nhau, con bé kia đã hiến thân cho anh!
Thạch khóc hu hu, rồi Thạch lại cười ha hả như người điên. Mùi rượu nồng nã phả vào mặt Phương bỏng rát. Phương giật mình như quả tim vừa rụng xuống. Trời ơi, Thạch đã hóa thành loài cầm thú chứ không còn là ông bố có mái đầu nghiêng mà Phương đã vẽ trong bức tranh cất dưới ngăn kéo nữa rồi!
P.Đ.L