Hồn bài chòi ở xã đảo Nhơn Châu
Ở xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, dù cách trở đất liền, khó khăn thiếu thốn nhiều bề, di sản bài chòi vẫn được bảo tồn, phát huy, là món ăn tinh thần cho cư dân trên đảo và gần đây còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có được những điều này là nhờ vào vai trò hạt nhân nòng cốt của vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước - Lê Thị Hoa và 4 người con của họ.
Nghệ nhân Trần Hữu Phước và con trai thứ Quang Nhơn (hai hiệu bên trái) cùng vợ và con trai cả Huệ Thiện (hai hiệu bên phải) hô bài chòi tại Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh lần thứ XII – 2016.
Ba thế hệ mê bài chòi
Ông Trần Hữu Phước và bà Lê Thị Hoa đều là dân đảo, sinh ra và lớn lên trên vùng đảo Cù Lao Xanh - một tên gọi khác của Nhơn Châu, cùng bầu bạn với bài chòi từ thuở lọt lòng. Ông Phước “nhiễm” bài chòi từ mẹ ông, cũng như bà Hoa- “thấm” bài chòi từ mẹ bà. Bài chòi - với họ như sợi tơ hồng se duyên, khi thời trai trẻ, cả ông Phước, bà Hoa đều tham gia vào đội văn nghệ xung kích của địa phương và những gánh bài chòi, dân ca, cải lương trong tỉnh và tỉnh bạn Phú Yên. Có lẽ nhờ chung niềm đam mê nên tình yêu của họ thêm đậm đà, bền chặt.
Đến lượt 4 người con của vợ chồng ông Phước, lần lượt là Huệ Thiện, Quang Nhơn, Linh Tâm, Phương Linh, thế hệ thứ 3 này cũng thừa hưởng niềm mộ điệu bài chòi từ bà, cha mẹ, vì “ăn bài chòi, ngủ bài chòi” mà nghệ thuật dân dã này một cách tự nhiên len lỏi vào trong tâm hồn.
Trần Quang Nhơn, người con trai thứ, kể: “4 anh em tôi lớn lên cùng làn điệu bài chòi cổ, ở nhà thì nghe ba mẹ hát, về nội hay ngoại cũng lại nghe bài chòi. Bà ngoại (cụ Nguyễn Thị Tiến, 84 tuổi) “ghiền” hơn, tuy hơi hám không còn nhưng lúc tâm trạng vui cũng hô mấy hơi liền, nếu gặp lúc con cháu cũng có ở đấy thì bảo “mấy đứa hô tiếp cho trọn bài!”. Khoảng 5 năm nay, biết con, rể, cháu tham gia hô hát bài chòi, làm hiệu, ngoại vui và tự hào lắm, ngoại dành thời gian cố nhớ lại những câu thai lạ để đọc cho con cháu chép mà sử dụng”.
Có thể nói, hàng chục năm trước, khi bài chòi còn trong giai đoạn thoái trào trên đất Bình Định, khi bài chòi còn chưa hồi sinh như mấy năm gần đây, thì di sản này đã tồn tại trong gia đình này, như mạch nước ngầm rỉ rén âm thầm chảy trong lòng đất.
Từ mộ điệu mà sinh ra nhu cầu học rồi biết hô hát, siêng năng sưu tầm góp nhặt các bản bài chòi, câu thai đem gối đầu giường, song cũng như hai người mẹ của ông Phước, bà Hoa, bài chòi chỉ đơn thuần là niềm yêu thích, mê đắm thẳm sâu trong dạ, chứ chưa bao giờ có cơ hội để mưu sinh. Nghề của họ là đi biển. Họ chưa từng nghĩ có một ngày được hô hát bài chòi biểu diễn cho khán giả xem và nhận thù lao từ “cái nghệ bài chòi”.
“Nghiệp” bài chòi chỉ vận vào gia đình ông Phước khi năm 2011, TP Quy Nhơn mở tập huấn hô hát bài chòi, tập huấn tổ chức hội đánh bài chòi dân gian. Như “gãi” trúng chỗ “ngứa”, từ Nhơn Châu cách trở đò giang, ông Phước hăng hái tham gia tập huấn.
Trao truyền và tiếp nối
Trở về từ lớp tập huấn bài chòi, sẵn chất giọng ngọt ngào trời cho, cộng với vốn liếng hiểu biết, kho tàng câu hát bài chòi tích lũy bao năm, vợ chồng ông Phước nhanh chóng trở thành nghệ nhân cốt cán không chỉ ở Nhơn Châu mà còn là của cả TP Quy Nhơn. Tại Nhơn Châu, ông Phước xây dựng phong trào sinh hoạt bài chòi, Đội bài chòi dân gian xã đảo Nhơn Châu do ông làm đội trưởng ra đời, tổ chức sinh hoạt cho người dân đảo vào mỗi dịp lễ, tết…
Được cha mẹ truyền lửa, dìu dắt, 4 người con của vợ chồng nghệ nhân Hữu Phước đều là những năng khiếu bài chòi cổ triển vọng. Đặc biệt, tại những sân chơi dành cho bài chòi, họ càng tỏa sáng khi xuất hiện cùng nhau. Tại Liên hoan dân ca bài chòi lần thứ 2 - 2014 do VTV Phú Yên tổ chức, Huệ Thiện từng đoạt giải Ba (cha mẹ anh đoạt giải Nhì). Hay tại cuộc thi hô hát bài chòi dành cho các xã, phường - TP Quy Nhơn tổ chức dịp Tết Bính Thân 2016 rồi, gia đình này cũng đoạt giải xuất sắc. Hiện giờ, hai anh em trai Thiện, Nhơn đã tỏ ra cứng cáp trong vai trò hiệu; hai cô con gái Tâm và Linh có giọng bài chòi rất ngọt, hô câu thai mùi, làm hiệu rất duyên song đang tuổi học hành, ít có thời gian tham gia nên độ dạn dĩ chưa bằng anh.
Các cán bộ của Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn (đơn vị mà gia đình nghệ nhân Hữu Phước cộng tác) nhận xét, vì là người một nhà nên “dàn” hiệu 6 người này rất hiểu ý nhau, góp phần tạo nên sức hút, thành công của hội đánh bài chòi khi có họ tham gia. Tại Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh lần thứ XII - 2016, khi cùng cha mẹ tham gia làm hiệu trong phần thi hát bài chòi của đơn vị TP Quy Nhơn, anh hiệu trẻ Quang Nhơn cố giấu vẻ lúng túng khi bắt trúng thẻ bài khó - con “Bánh hai”, người cha tinh ý lập tức “cứu bồ”. Cái cách ông Phước gỡ thế bí cho con thật ý nhị, gần gũi, đúng chất dân gian: “Chú em trai tráng mà ngó bộ hô vài hơi đã đuối giọng, để đó qua hô tiếp kẻo bà con phải chờ, nghen”…
* * *
“Điều lớn lao và đáng quý nhất mà gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước làm được là đã truyền được ngọn lửa yêu di sản, nhiệt huyết, trách nhiệm bảo tồn đến tất cả 4 người con của mình”, chị Quý Nhất, cán bộ của Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn nói như vậy về gia đình nghệ nhân Phước.
Còn với những người con trong “gia đình bài chòi” này, họ chọn đến với bài chòi không chỉ để tiếp nối truyền thống gia đình mà còn từ ý thức của người trẻ với di sản của dân tộc. Quang Nhơn tâm sự: “Bà nội, bà ngoại mình thường tỉ tê với 4 đứa cháu rằng, bài chòi là sản phẩm đặc sệt của dân mình, nhất là xứ Bình Định mình. Mình dân đảo càng nên giữ văn hóa của nước mình, đấy cũng là một cách giữ nước!”.
Từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước là địa chỉ tin cậy của Công ty du lịch Xứ Nẫu mỗi khi mời hát bài chòi phục vụ các đoàn khách đến tham quan Nhơn Châu. Giám đốc Công ty này, anh Bùi Châu Ân cho biết: “Nghe nghệ nhân Hữu Phước hát bài chòi cổ hoặc các bài ca mới về Cù Lao Xanh hay Bình Ðịnh, xem cả gia đình họ tổ chức phục vụ hội đánh bài chòi, du khách rất thích. Ở nghệ nhân Phước có nét tổng hòa của một ngư dân, một nghệ sĩ miệt vườn, một nghệ nhân dân gian, có lẽ vì vậy mà dân du lịch phượt rất mến chú ấy biểu diễn văn nghệ hay đơn giản chỉ là kể chuyện, trong vai người dân bản địa với khách du lịch đến thăm quê hương mình”.
SAO LY